Giải ngân dần trong khi chờ “con sóng lớn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều chuyên gia cho rằng, rủi ro ngắn hạn vẫn còn, nhưng đây là thời điểm “10 năm có một” để bắt đầu giải ngân cho một chu kỳ đầu tư dài hạn.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua hai tuần phục hồi tích cực. Thị trường chứng khoán vừa trải qua hai tuần phục hồi tích cực.

Lạc quan từ đáy 874 điểm

Sau khi lập đỉnh 1.528 điểm vào tháng 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào chu kỳ giảm giá (downtrend) kéo dài đến giữa tháng 11, với mức đáy sâu nhất của chỉ số VN-Index là 873,78 điểm được thiết lập trong phiên 16/11. Mức đáy này đã đánh dấu việc thị trường chứng khoán “bốc hơi” tới 43% giá trị chỉ trong vòng 7 tháng và đưa VN-Index vào nhóm chỉ số chứng khoán giảm sâu nhất thế giới.

Hậu quả là hầu hết nhà đầu tư cả cá nhân lẫn tổ chức đều thua lỗ trên thị trường, do các mã cổ phiếu bluechips cũng giảm sâu 40 - 60%, còn nhóm vốn hóa trung bình (midcaps) và cổ phiếu nhỏ (penny) giảm 70 - 90%.

Chẳng hạn, từ đầu tháng 4/2022 đến ngày 16/11, mã cổ phiếu hàng đầu ngành thép là HPG giảm giá gần 63%. Trong cùng khoảng thời gian, mã TNG vốn là đại diện tiêu biểu của nhóm dệt may giảm giá 70%. Thậm chí, bộ đôi sáng giá của nhóm công nghệ là FPT và FRT lần lượt giảm 39% và 38%.

Sau khi nhúng đáy 874 điểm, VN-Index có sự hồi phục tích cực trong hai tuần trở lại đây, đạt 1.080 điểm khi đóng cửa phiên 1/12/2022, tăng tổng cộng 206 điểm. Trong nhịp tăng hơn 20% này của thị trường chung, nhiều cổ phiếu tăng 30%, thậm chí có những mã tăng trên 50%.

Cùng với sự đi lên của chỉ số, thanh khoản được cải thiện rõ rệt khi 4 phiên gần nhất ghi nhận giá trị giao dịch tăng gấp đôi, đạt 17.000 - 22.000 tỷ đồng/phiên.

Thị trường bật tăng có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi mua ròng 16.911 tỷ đồng trong tháng 11/2022, đây là tháng có giá trị mua ròng lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tính riêng 6 quỹ ETF lớn nhất thị trường đã đóng góp hơn 7.400 tỷ đồng, xấp xỉ tổng giá trị hút ròng trong 3 quý đầu năm nay.

Đáng lưu ý, dòng vốn từ Đài Loan (Trung Quốc) đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, với đại diện tiêu biểu là Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF. Thống kê cho thấy, quỹ này đã hút ròng lên đến 133 triệu USD (khoảng 3.300 tỷ đồng) trong tháng 11 vừa qua.

Đầu tư ngay bây giờ

Trong một chia sẻ mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Tôi đã bắt đầu mua vào cổ phiếu, nếu không mua, 4 - 5 tháng sau có lẽ sẽ hối hận”, ông Nghĩa nói.

Tại talkshow Chọn danh mục kỳ 6 với chủ đề “Kỳ vọng phá vỡ xu hướng downtrend” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 2/12/2022, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Invesment Banking nhìn nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hai chu kỳ điều chỉnh từ tháng 4/2022 đến giữa tháng 11.

Một là, đợt điều chỉnh mang tính sự kiện (do các yếu tố bên ngoài tác động như lạm phát, xung đột địa chính trị, hoặc rủi ro trên thị trường trái phiếu…) kéo dài từ tháng 4 đến đầu tháng 7/2022, khiến thị trường mất 27% giá trị.

Hai là, đợt điều chỉnh mang tính chu kỳ từ đầu tháng 9/2022 đến giữa tháng 11, do tác động của chính sách tăng lãi suất (để kiểm soát lạm phát và tỷ giá). Lãi suất tăng bao nhiêu, bao lâu sẽ quyết định thị trường giảm đến mức nào và trong bao lâu.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất ở kỳ điều chỉnh sắp tới (trong tháng 12/2022) sẽ lan toả tích cực đến vĩ mô và triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Hiện định giá (P/E) thị trường dưới 10 lần, tương ứng với mức chênh lệch thị trường là 10%, đối chiếu phần định giá thì 870 điểm là mức hợp lý. Vừa rồi, chỉ số sau khi giảm xuống 874 điểm đã bật lại. Tôi cho rằng, lúc đó, thị trường đã phản ánh phần nào lo ngại về việc điều chỉnh chu kỳ dài, từ đó sẽ có sự phục hồi”, ông Thành chia sẻ.

Mức định giá P/E dưới 10 lần hiện nay, theo ông Thành, là cơ hội 10 năm có một” để đầu tư dài hạn, bởi vì trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam mới có 3 lần định giá hấp dẫn như vậy. Hai lần trước vào thời kỳ khủng khoảng 2010 - 2011 và thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 đầu năm 2020.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT đánh giá, đây có thể là một cơ hội lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 năm tiếp theo.

Mặc dù vậy, rủi ro của thị trường vẫn còn và để giải quyết được câu chuyện thì phải có dòng tiền, muốn vậy phải xử lý vấn đề thanh khoản trái phiếu.

“Khi bài toán về thanh khoản được giải quyết triệt để, những người ở lại sẽ có được thành quả lớn”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, đồ thị VN-Index trong 10 năm qua cho thấy xu hướng đi lên. Nhìn sang một thị trường tương đồng là thị trường chứng khoán Mỹ, đồ thị S&P 500 cũng có xu hướng đi lên. Trong đó, mỗi cú sụt giảm của thị trường chỉ là một chấm nhỏ trên tổng thể đồ thị đó.

Phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp tốp đầu các ngành đều đang có định giá rất rẻ, thậm chí thấp hơn giá trị sổ sách, trong khi doanh nghiệp có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lên tới 15 - 20%.

Xét về định giá, chuyên gia VCBF nói rằng, phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp tốp đầu các ngành đều đang có định giá rất rẻ, thậm chí thấp hơn giá trị sổ sách, trong khi doanh nghiệp có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên tới 15 - 20%. So sánh với lãi suất tiết kiệm khoảng 10%/năm, thì cổ phiếu các doanh nghiệp đó rất hấp dẫn.

“Thời điểm tốt nhất để đầu tư là ngay bây giờ. Đầu tư vào giai đoạn rẻ thế này thì cơ hội chiến thắng của nhà đầu tư sẽ rất cao”, ông Duy Anh nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay, theo nguyên tắc kỹ thuật, điểm mua hợp lý là khi đáy sau cao hơn đáy trước, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đi kèm với dòng tiền vào.

“Đối chiếu với giai đoạn hiện nay thì đã tới điểm mua. Tuy nhiên, phương pháp là đầu tư dài hạn 1 - 2 năm tới, giải ngân dần để chờ dòng tiền lớn nhập cuộc xác định kết thúc downtrend, còn lướt sóng ngắn hạn thì cần quan sát thêm vì thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro”, ông Bình nói.

Về quan điểm chờ dòng tiền lớn để chấm dứt thời kỳ downtrend, ông Quản Trọng Thành cho rằng, hiện tại, 80% rủi ro đã được thị trường hấp thụ; để tạo được các “con sóng lớn”, “sóng dài” thì cần có tín hiệu chính sách là nới lỏng tiền tệ, bao gồm giảm lãi suất, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, ổn định thị trường trái phiếu…

Nói về nhóm ngành triển vọng để đầu tư, ông Duy Anh chia sẻ, ông yêu thích nhóm sản xuất, xuất khẩu, công nghệ.

Trong khi đó, theo ông Thành, Việt Nam là thị trường 100 triệu dân, dân số trẻ nên ngành tiêu dùng, dịch vụ tài chính và bất động sản sẽ có tiềm năng lớn. Ngoài ra, sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn FDI ồ ạt đổ vào Việt Nam đã kích thích đầu tư công để tạo ra hạ tầng, từ đó nhóm khu công nghiệp, logistics, sắt thép trở nên triển vọng hơn.

Các chuyên gia lưu ý, ngoài lựa chọn nhóm ngành hưởng lợi, định giá hấp dẫn thì năng lực và uy tín của ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng là tiêu chí mà nhà đầu tư cần tham khảo. Ví dụ, trong các chu kỳ khủng hoảng trước đây, ban lãnh đạo đó đã đưa doanh nghiệp vượt qua ra sao?

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục