Giải mã tâm lý thị trường

Kể từ đầu năm, chỉ số chứng khoán đi ngang, nhưng nhiều mã vẫn giảm giá mạnh, do sự nâng đỡ của một số mã có vốn hóa lớn. Tâm lý chán nản bao trùm trong giới đầu tư, khiến thanh khoản và chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh. Người viết nhận thấy trên thị trường tồn tại 5 vấn đề chính, phản ánh tâm lý của các NĐT hiện nay.
Nhận biết đúng bản chất của thị trường và có hành xử hợp lý sẽ giúp NĐT thoát khỏi vòng vây ảnh hưởng của tâm lý thị trường - Ảnh minh họa: Hoài Nam Nhận biết đúng bản chất của thị trường và có hành xử hợp lý sẽ giúp NĐT thoát khỏi vòng vây ảnh hưởng của tâm lý thị trường - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Thứ nhất, thị trường thiếu hoàn thiện

TTCK Việt Nam sau 10 năm phát triển chưa thể hiện sự xứng tầm, ngoài số lượng chứng khoán niêm yết vượt quá khả năng "hấp thụ". Điểm yếu kém nhất chính là sự thiếu hụt các sản phẩm chứng khoán mới, đặc biệt là các sản phẩm phái sinh nhằm tăng khả năng lựa chọn đầu tư cũng như phòng ngừa và giảm rủi ro khi thị trường đi xuống. Trong khi đó, hệ thống sản phẩm cũ chưa đáp ứng được nhu cầu thanh hoán nhanh như chu kỳ thanh toán T+4, tỷ lệ ký quỹ 100%. Ngoài ra, vấn đề minh bạch, công bằng trên thị trường bị xâm phạm nghiêm trọng khi vẫn có nhiều dấu hiệu của mua bán nội gián, làm giá.

 

Thứ hai, vấn đề của cơ quan quản lý, CTCK

Cơ quan quản lý đã quá chậm trễ trong việc nâng tầm phát triển của thị trường bằng một hệ thống các quy chuẩn từ niêm yết, giao dịch đến đảm bảo một sân chơi công bằng cho các NĐT, ngăn chặn giao dịch nội gián, giao dịch mang tính làm giá, đẩy nhanh việc hiện đại hóa hệ thống giao dịch, đảm bảo thanh khoản tốt hơn cho thị trường.

Lỗi của CTCK có lẽ là sự từ bỏ vai trò tạo lập thị trường, vai trò định hướng thị trường, trong khi đó vẫn tồn tại những hoạt động xung đột lợi ích với NĐT. Đã từ lâu, CTCK chủ yếu phản ánh những cái đang diễn ra, nhận định thị trường theo kiểu chung chung, đúng sai cũng không phải chịu trách nhiệm. Các CTCK nên tập trung vào việc cung cấp thông tin hơn là nhận định thông tin một cách hời hợt, cổ súy cho một xu hướng mà hầu như ai cũng nhìn thấy.

 

Thứ ba, thiếu thông tin hỗ trợ

Nhìn chung, tâm lý các NĐT đều rất xấu, đều xác định cơ hội trên thị trường là không nhiều, nếu không có thông tin "mật", không theo một "đội lái" nào đó. Một số ý kiến cho rằng, khi tâm lý xấu bao trùm là thị trường đã đến đáy. Tuy nhiên, theo tôi, thị trường xấu còn có thể xấu hơn, tốt còn có thể tốt hơn và yếu tố chính quyết định đến diễn biến thị trường là nội tại nền kinh tế, tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN.

 

Thứ tư, cách hành xử của NĐT

Đa số NĐT có tâm lý mệt mỏi, chán nản, nhưng hành vi của họ ứng với điều kiện thị trường là khác nhau, ít nhất là ở mức độ phản ứng đối với những sự kiện trên thị trường. Trong điều kiện thị trường suy giảm như hiện nay, đầu tư theo phương pháp đầu tư giá trị là khá hợp lý. NĐT nên chú ý đến một số chỉ tiêu sau: 1) DN hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi, bảo đảm EPS từ 3.000 đồng trở lên; 2) Dòng tiền từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là dương, tối thiểu bảo đảm trả nợ theo kế hoạch; 3) Lợi suất cổ tức ít nhất là 10%; 4) Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu nhỏ hơn hoặc bằng 3/7 đối với DN sản xuất và nhỏ hơn hoặc bằng 1 đối với DN thương mại; 5) Chi phí vốn đầu tư (CAPEX) thấp. Chỉ số này có thể thay đổi theo từng ngành và kế hoạch của DN, nhưng cần tránh những DN có kế hoạch hoặc chi phí CAPEX tăng đột biến, bởi điều này không có lợi trong ngắn hạn, đặc biệt khi lãi vay đang ở mức rất cao như hiện nay.

Nhận biết đúng bản chất của thị trường và có hành xử hợp lý sẽ giúp NĐT thoát khỏi vòng vây ảnh hưởng của tâm lý thị trường. Một NĐT thành công có nói: Trong muôn vàn gian khó, còn đó những cơ hội. Cơ hội thực sự chỉ dành cho những NĐT bản lĩnh và trí tuệ.

Khánh Linh, Gia Lâm, Hà Nội
Khánh Linh, Gia Lâm, Hà Nội