Giải mã sức ì cổ phiếu dệt may

(ĐTCK) Dù nhận nhiều thông tin hỗ trợ, không ít doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tích cực, nhưng diễn biến giá cổ phiếu ngành dệt may thời gian gần đây vẫn khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng.
Ngành dệt may trong nước đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với các mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Phillipines, Bangladesh...

Ngược chiều kết quả kinh doanh

Ngày 9/3/2018, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết đã mở ra kỳ vọng mới về dòng vốn đầu tư nước ngoài và tạo động lực tăng trưởng cho nhiều ngành nghề. Trong đó, dệt may được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP với dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành sau khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tăng thêm 8,3 - 10,8%.

Với triển vọng tích cực, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may duy trì được sự ổn định và tăng trưởng. Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trong nhóm 20 doanh nghiệp dệt may có tổng tài sản lớn nhất đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong quý I vừa qua, chỉ có 1 doanh nghiệp báo lỗ.

Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao chiếm đa số. Cụ thể, trong quý I, Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (VGT) vẫn là ông lớn có lợi nhuận cao nhất ngành, đạt 178,4 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sau đó là những tên tuổi lớn như Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG), Tổng công ty cổ phần Phong Phú (PPH), Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM).

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng trên 100% so với cùng kỳ năm trước như Tổng công ty May Nhà Bè - Công ty cổ phần (MNB) tăng trưởng 204%, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội - Hanosimex (HSM) 181%, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (HTG) tăng tới 493%. Các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Everpia (EVE), Công ty cổ phần Mirae (KRM), Công ty cổ phần May mặc Bình Dương (BDG) cũng có mức tăng trưởng cao không kém.

Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với bức tranh kinh doanh khởi sắc này, giá cổ phiếu dệt may lại khiến không ít nhà đầu tư thất vọng. Chẳng hạn, cổ phiếu VGT của Vinatex đang trở về vùng giá khi bắt đầu niêm yết, giao dịch quanh ngưỡng 11.000 đồng/cổ phiếu.

Từ khi lên sàn giao dịch vào tháng 6/2017, VGT có chuỗi ngày đi ngang ròng rã trong suốt nửa năm. Tới đầu năm 2018, giá cổ phiếu đột nhiên tăng mạnh hơn 70%, đạt đỉnh 19.400 đồng/cổ phiếu vào tháng 1. Thế nhưng, trong 3 tháng gần đây, VGT lại rơi vào giai đoạn thoái trào, đồ thị giá theo xu hướng đi xuống và hiện đã trở về vùng giá 11.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, hoạt động kinh doanh của Vinatex vẫn khá tích cực. Thậm chí, doanh nghiệp còn đón nhận tin tốt khi đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Itochu rót thêm 47 triệu USD để gia tăng tỷ lệ sở hữu.

Không chỉ riêng Vinatex, tình cảnh giá cổ phiếu đi ngang hoặc đi xuống đang diễn ra đồng loạt với các cổ phiếu dệt may. Ví dụ, cổ phiếu VGG của May Việt Tiến, dù xét về giá trị, đây là một trong những cổ phiếu dệt may có thị giá cao nhất trong ngành, song suốt 3 tháng qua, VGG chỉ đón nhận một số nhịp hồi phục nhẹ, còn lại giá chủ yếu theo đà giảm. Hiện tại, VGG giao dịch quanh mức 49.200 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 1/2018.

Trong khi đó, diễn biến giá cổ phiếu PPH của Tổng công ty cổ phần Phong Phú chủ yếu đi ngang, không có tín hiệu bứt phá. Bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ tháng 8/2017 với giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu, từ đó đến nay, PPH luôn loanh quanh vùng dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.

Một thực tế không thể phủ nhận là nhiều doanh nghiệp dệt may lớn đang đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM – nơi còn hạn chế trong việc thu hút dòng vốn của nhà đầu tư và phần lớn các công ty đăng ký giao dịch hoặc niêm yết là “con cháu” Vinatex, như Dệt may Hòa Thọ, PPH, May Việt Tiến, May Nhà Bè, May 10… Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chỉ doanh nghiệp nhà Vinatex mới lâm vào tình cảnh trái ngang như trên.

Trên 2 sàn niêm yết, nghịch lý này cũng diễn ra với những tên tuổi lớn và lâu năm như TCM, STK, EVE, KMR, TNG, GMC. Trong khi VN-Index có giai đoạn tăng mạnh mẽ (từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 4/2018) thì cổ phiếu dệt may lại hờ hững, thậm chí “quyết tâm” đi ngược thị trường.

Trong đó, cổ phiếu TCM lầm lũi giảm từ đầu tháng 3 đến nay, hiện đã giảm hơn 30% so với đầu tháng 1/2018. Trước diễn biến này, cổ đông của Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã có những phản ứng gay gắt trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 diễn ra vào tháng 4 vừa qua.

Chưa kể, cùng sự "lẹt đẹt" chung của nhóm dệt may, cổ phiếu KMR ở trong trạng thái “cắm đầu” bất chấp lợi nhuận quý I tăng trưởng tới 141%. Vậy điều gì đang xảy ra với cổ phiếu ngành dệt may?

Giải mã sức ì

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết, hiện đang là giai đoạn tạo đáy của cổ phiếu dệt may. Bên cạnh đó, nguyên do chính dẫn tới việc nhóm cổ phiếu này đi ngược thị trường, cũng như các thông tin cơ bản tích cực là bởi khẩu vị của nhà đầu tư.

Theo ông Khánh, trong giai đoạn các nhóm ngành khác tăng mạnh thì cổ phiếu dệt may vẫn nằm ngoài cuộc chơi, bởi nó không được xếp vào nhóm cổ phiếu được thị trường ưu ái như ngân hàng, bất động sản… Thực tế, cổ phiếu dệt may không có nhiều ưu thế về tính dẫn dắt hoặc biên lợi nhuận, nên dù kết quả kinh doanh khả quan vẫn chưa đủ sức giúp diễn biến giá khởi sắc.

Cùng với đó, sản phẩm của ngành dệt may trong nước đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, đối chọi trực tiếp với các mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Phillipines, Bangladesh...

Phân tích thêm về những lợi thế có khả năng được mang tới từ CPTPP, ông Khánh cho biết, hàng dệt may Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu xuất xứ “từ sợi trở đi” - tức là các công đoạn sản xuất bắt đầu từ sợi - dệt - nhuộm - may cần được thực hiện trong nước để được hưởng ưu đãi thuế. Vậy nhưng, chưa nhiều doanh nghiệp dệt may nội địa đáp ứng được tiêu chí này. Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng, ảnh hưởng tích cực của CPTPP tuy có nhưng sẽ không đủ sức nóng để tạo sự đột phá nhanh chóng cho ngành dệt may trong nước.

Trên thực tế, chính các doanh nghiệp dệt may cũng nhận diện được những thách thức này và đã phản ánh ngay trong kế hoạch kinh doanh năm 2018.

Nhận định về bức tranh kinh doanh năm 2018, TCM cho biết, đây vẫn là thời kỳ khó khăn cho ngành dệt may Việt Nam, thậm chí sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn do chính sách bảo hộ ngành dệt may của các quốc gia xuất khẩu lớn như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ. Chưa kể, cùng với sự gia tăng không ngừng của chi phí đầu vào, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong dệt may tạo sức ép giảm giá và đào thải những doanh nghiệp không theo kịp đà phát triển.

Năm 2018, TCM đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.166 tỷ đồng và 189,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm nhẹ 1% so với kết quả thực hiện năm 2017.

Tại Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn (GMC), cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch sản xuất  - kinh doanh 2018 khá thận trọng với lợi nhuận trước thuế 70,6 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước.

Dù có những khó khăn, nhưng dư địa phát triển của các doanh nghiệp dệt may vẫn hiện hữu. Quy mô ngành công nghiệp dệt toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng 25% từ nay cho đến năm 2025. Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam tin tưởng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD năm nay hoàn toàn khả thi.

Trong bối cảnh này, ông Khánh đánh giá, các cổ phiếu dệt may đang tạo đáy đi lên, nên đây là thời điểm phù hợp cho nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn vào cổ phiếu cơ bản tốt.

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục