Giá trị bán ròng cao nhất kể từ tháng 3
Trong tháng 10/2020, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 291 triệu USD trên sàn HOSE, mức cao nhất kể từ tháng 3. Khối này tiếp tục bán ròng trong 10 ngày đầu tháng 11, tập trung vào cổ phiếu MSN. Khối ngoại bán ròng MSN 2.945 tỷ đồng trong tháng 10 và 1.034 tỷ đồng trong 10 ngày đầu tháng 11. Tiếp đến là CTG, DIG, VNM, VRE…
Tổ chức nước ngoài bán ròng nhiều nhất là 2.919 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mua bán khá cân bằng. Nhóm quỹ mở giao dịch cùng chiều bán ròng của khối ngoại nói chung, với tổng mức bán ròng 16,9 triệu USD.
Nhóm quỹ mở nước ngoài ghi nhận đà rút ròng trong tháng 10 cũng như 10 ngày đầu tháng 11. Nhóm quỹ mở Hàn Quốc tiếp tục vị thế bán ròng chính.
Còn nhóm quỹ VN Diamond, VN Fin Select và VFM VN30 sau giai đoạn huy động ròng đầu năm đã chững lại trong các tháng gần đây và có dấu hiệu chuyển sang bán ròng.
Dòng vốn ngoại đang đổ về Mỹ
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, theo số liệu từ Jeffeires và EPFR, dòng vốn ngoại đang đổ về Mỹ. Chỉ tính riêng ETF, thị trường Mỹ đã hút ròng 7,1 tỷ USD trong tuần từ 29/10 đến 4/11/2020. Ở khu vực châu Á, Nhật Bản hưởng lợi khi dòng tiền ETF quay trở lại mạnh mẽ với 1,2 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian. Ở chiều ngược lại, tiền đang được rút ra khỏi nhiều nước châu Âu và Trung Quốc.
Theo ông Minh, dòng tiền đang đi tìm cơ hội đầu tư sau khi bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc. Trung bình sau 8 cuộc bầu cử Mỹ trước đó (1988 - 2016), cổ phiếu thường có diễn biến tăng giá ấn tượng. Thống kê này giải thích chứng khoán Mỹ đang hút mạnh tiền giai đoạn đợt bầu cử vừa qua.
Ông Minh cho rằng, chính sách của Mỹ là hỗ trợ nền kinh tế dù ai là tổng thống. Do vậy, ông Biden có khả năng trở thành Tổng thống không phải là nguyên nhân khiến vốn ngoại rút ròng tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, hoạt động bán ròng đã kéo dài từ tháng 9/2019 đến nay.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, VinaCapital, khối ngoại đã bán ròng hơn 500 triệu USD tính từ đầu năm trên sàn HOSE. Một phần nguyên nhân là những lo ngại về bất ổn kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19, khiến các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, cận biên về nước, hoặc tái đầu tư tại thị trường phát triển hơn để giảm rủi ro. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng bán ròng này của nhà đầu tư nước ngoài tại các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam là nước bị bán ròng ít nhất trong các nước Đông Nam Á do Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhà đầu tư tư nước ngoài bán ròng tại Malaysia 5,3 tỷ USD, Thái Lan 9,6 tỷ USD, Phillippines 2,2 tỷ USD, Indonesia 3 tỷ USD.
Trong góc nhìn của ông Soh Jin Wook, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset Việt Nam, một trong những xu hướng đáng chú ý gần đây trên thị trường toàn cầu là các cổ phiếu công nghệ và sinh học dẫn đầu thị trường khi nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19 cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Các ngành sản xuất và dịch vụ truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, trong khi các cổ phiếu công nghệ hưởng lợi từ làn sóng thanh khoản được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ nới lỏng. Do đó, những thị trường mới nổi thiếu các công ty công nghệ cao bị bỏ lại phía sau so với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù Việt Nam duy trì nền tảng vĩ mô vững chắc, nhưng thị trường chứng khoán chưa thu hút vốn ngoại vì lý do tương tự.
Kỳ vọng vốn ngoại sẽ sớm quay lại
Ông Soh Jin Wook nhìn nhận, mọi thứ sẽ dần thay đổi trong thời gian tới. Giao thương toàn cầu sẽ phục hồi nhờ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc giảm sau cuộc bầu cử và thử nghiệm vắc-xin Covid-19 đang có tiến triển tốt, điều này sẽ dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi.
Đặc biệt, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thay thế một phần năng lực sản xuất của Trung Quốc. Do đó, dòng vốn nước ngoài dự kiến chuyển sự quan tâm trở lại thị trường Việt Nam và cung tiền nước ngoài sẽ được cải thiện.
Dòng vốn ngoại sẽ quay lại và trong dài hạn, Việt Nam thu hút thêm dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức lớn là nhận định của ông Andy Ho. Trong đó, kinh tế vĩ mô sớm ổn định và môi trường đầu tư hấp dẫn là động lực để thị trường chứng khoán hồi phục, thậm chí tăng mạnh. Do kiểm soát dịch bệnh tốt nên kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhanh, qua đó hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Hiện tại, nhà đầu tư ngoại vẫn đang duy trì đà bán ròng trên thị trường Việt Nam và nhiều thị trường khác trong khu vực. Vốn ngoại tại thị trường Việt Nam không chiếm tỷ trọng lớn, nhưng việc rút vốn có diễn biến kéo dài. “Có thể lý giải, nhà đầu tư ngoại rút tiền về mạnh, vì tâm lý “ở nhà” đang khó khăn, bất ổn, nên ở đâu có thể rút tiền về là họ rút để an tâm hơn. Đây là tâm lý bảo toàn vốn trong bối cảnh rủi ro gia tăng”, ông Andy Ho nói.
Ngược lại, nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn vẫn đang có nguồn vốn dồi dào và không thực sự cần thiết rút tiền về. Lượng tiền của nhóm này vẫn còn ở châu Á và đang tìm kênh đầu tư, minh chứng là có nhiều đợt IPO thành công trong 9 tháng qua. Tại Việt Nam, không ít nhà đầu tư lớn đã rót hàng trăm triệu USD vào thị trường, chẳng hạn nhóm nhà đầu tư KKR (trong đó có Temasek) đã chi 650 triệu USD để sở hữu 6% cổ phần Vinhomes.
Ông Andy Ho đánh giá, dòng vốn ngoại sẽ quay lại, khi thế giới có vắc -xin Covid-19 hiệu quả và kiểm soát được dịch bệnh trên tòa cầu, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội. Đặc biệt, thị trường dự kiến sẽ thu hút mạnh dòng vốn ngoại nếu được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.