Giải mã khối ngoại bán ròng

(ĐTCK) Trong 11 phiên giao dịch tính đến ngày 5/3, khối nhà đầu tư nước ngoài có 10 phiên bán ròng trên HOSE. Tính riêng tuần giao dịch cuối tháng 2 và ba phiên đầu tháng 3, khối ngoại bán ròng gần 1.279 tỷ đồng.
Giải mã khối ngoại bán ròng

Trước đó, trong tháng 1/2018, khối ngoại mua ròng 8.909,7 tỷ đồng. Tháng 2 vừa qua, nếu không tính phiên giao dịch ngày 6/2 (có giao dịch mua thỏa thuận hơn 4.512 tỷ đồng cổ phiếu VRE) thì khối ngoại bán ròng 1.346,4 tỷ đồng.

Diễn biến đáng chú ý trong tháng 2 là các quỹ đầu tư bán ra khá mạnh trong 2 tuần giữa tháng. Chẳng hạn, nhóm quỹ đầu tư Dragon Capital đã bán 1,34 triệu cổ phiếu HDG, 1 triệu cổ phiếu MBB, 980.000 cổ phiếu DXG, 800.000 cổ phiếu SAM, 600.000 cổ phiếu HSG. Trước đó, Dragon Capital đã bán ra chốt lời ở nhiều cổ phiếu như PC1, CII, FPT, MWG…

Trong 2 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường cổ phiếu niêm yết HNX: tháng 1 bán ròng 429 tỷ đồng, tháng 2 bán ròng 132 tỷ đồng, nhưng mua ròng trên thị trường UPCoM: tháng 1 mua ròng 551 tỷ đồng, tháng 2 mua ròng 91 tỷ đồng.   

Quỹ Vietnam Equity (Ucits) Fund, quỹ lớn thứ hai do Dragon Capital quản lý có sự sụt giảm giá trị tài sản ròng (NAV) đáng kể so với cuối năm 2017. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2017, NAV của quỹ này là 163 triệu USD, còn tại ngày 28/2/2018 là 99,47 triệu USD, giảm gần 40%.

NAV cuối tháng 2/2018 là 136,9 triệu USD, giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ thời điểm cuối tháng 1/2018 và cuối tháng 2/2018 là tương đương nhau, lần lượt là 24,96 USD/chứng chỉ quỹ và 24,43 USD/chứng chỉ quỹ. Số liệu này cho thấy, diễn biến giá chứng khoán trong danh mục hầu như không ảnh hưởng đến NAV của Quỹ, việc NAV sụt giảm là do nhà đầu tư rút vốn, giá trị rút vốn trong tháng 2 khoảng 37 triệu USD.

Theo trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán, việc một số quỹ đầu tư bị rút vốn có thể là do một bộ phận nhà đầu tư của họ muốn cấu trúc qua một quỹ đầu tư khác, khi mà trong danh mục đầu tư có những cổ phiếu đã chững lại đà tăng, thậm chí có cổ phiếu quay đầu giảm giá mạnh.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC cho rằng, động thái bán ròng của khối ngoại trong tuần qua có thể lý giải bởi thị trường đã chạm vùng đỉnh ngắn hạn 1.130 điểm, khiến một số quỹ bán ra chốt lời. Tuy nhiên, hoạt động bán ròng chưa đến mức báo động, bởi sức mua ròng của khối ngoại từ đầu năm rất lớn.

Theo ông Tuấn, các quỹ đầu tư vào một cổ phiếu, khi đạt được mức lãi kỳ vọng thì họ sẽ bán ra, hoặc khi kết thúc chu kỳ đầu tư, quỹ buộc phải thanh lý cổ phiếu. Một trong những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất thời gian qua là HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát do ảnh hưởng bởi tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc sẽ thông qua mức thuế quan mới ở mức cao hơn đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu ngay trong tuần này.

Hiện giới đầu tư quan ngại khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2018 tại kỳ họp ngày 21/3 tới. Yếu tố này, theo ông Tuấn, hiện tại chưa tác động trực tiếp vào thị trường và dòng vốn ngoại, bởi vì FED có quyết định tăng lãi suất hay không vẫn còn là một ẩn số, dù tâm lý thị trường đang nghiêng về hướng tăng.

Trong trường hợp lãi suất tăng thì dòng vốn ngoại có thể bị ảnh hưởng, nhưng sẽ không quá lớn, bởi vì tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn một chuỗi dài phía trước. Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết thoái vốn và cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp lớn nên tiềm năng thu hút vốn ngoại mới, quỹ đầu tư nước ngoài mới vẫn còn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc Tư vấn nghiên cứu và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Sài Gòn cho rằng, nếu FED tăng lãi suất thì dòng vốn ngoại sẽ bị tác động, trước hết là các quỹ ETF. Trong khi đó, áp lực bán vừa qua của khối ngoại không đến từ ETF.

Để theo dõi liệu nhà đầu tư nước ngoài có bán ròng (thể hiện tâm lý không kỳ vọng vào thị trường trong ngắn hạn), ông Minh cho biết, có thể nhìn chỉ số CDS - chỉ số bảo hiểm rủi ro các khoản nợ của Việt Nam. Chỉ số này tăng/giảm báo hiệu rủi ro trên thị trường vốn tăng/giảm.

Trong thời gian qua, chỉ số CDS liên tục có diễn biến giảm, trong ngắn hạn có tăng nhẹ, nhưng chưa phản ánh được xu hướng giảm trung và dài hạn. Do vậy, có thể nói, tâm lý chung của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là lạc quan đối với thị trường Việt Nam.

Một yếu tố cần chú ý là tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân, khi có yếu tố đột biến trên thị trường thì lo ngại gia tăng và ưa thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Trước đây, khối ngoại bán ròng là dấu hiệu đáng quan ngại, bởi chủ yếu các nhà đầu tư tổ chức ra và bán “ròng rã”. Nhưng nay, dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam đến từ các nhà đầu tư cá nhân gia tăng mạnh và động thái bán ròng vừa qua có có sự tham gia của khối nhà đầu tư này. Do vậy, ông Minh nhận định, xu hướng bán ròng này sẽ không kéo dài.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá, nếu FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới các thị trường trên thế giới, nhất là thị trường cận biên hoặc mới nổi - được đánh giá là thị trường có rủi ro cao hơn. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng (đây là kênh đầu tư an toàn) nên xuất hiện hiện tượng rút vốn từ các thị trường cận biên, mới nổi về Mỹ.

Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ đang tốt lên, bản thân nhiều doanh nghiệp Mỹ có kết quả kinh doanh tốt hơn nên xuất hiện các cơ hội đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Tổng hòa nhiều yếu tố, có hiện tượng vốn ngoại bị rút ra tại một số thị trường.

Ông Minh nhìn nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị tác động bởi diễn biến trên, nhưng không lớn. Thị trường đã đạt đỉnh cao trong vòng 10 năm trở lại đây, tạo ra cơ hội chốt lời tốt. Đối với các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư thường có chiến lược và tính kỷ luật rất cao, việc hiện thực hóa lợi nhuận sẽ được thực hiện dần dần, không chỉ trong một vài phiên và chỉ cần giá cổ phiếu dao động quanh vùng giá mục tiêu thì họ sẽ hành động, chứ không phải bán giá cao nhất có thể.

VN-Index ngày 5/3 sụt giảm xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm, nhưng không ít chuyên gia duy trì nhận định khả quan về triển vọng thị trường. Theo đó, một số phiên điều chỉnh giảm là cần thiết để chỉ số tích lũy trước khi vượt vùng đỉnh lịch sử 1.170 điểm và đạt ngưỡng 1.200 điểm ngay trong tháng 3.

Trong trường hợp chỉ số vượt vùng đỉnh ngắn hạn, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, vốn ngoại nhiều khả năng mua ròng trở lại, khi đó sẽ có tác động tích cực đến thị trường và dòng tiền đổ vào thị trường có thể mạnh hơn.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục