Giải mã hiện tượng khối ngoại ồ ạt mua vào HDB

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Cổ phiếu HDB của HDBank đang gây chú ý trên thị trường khi được các quỹ ngoại mua ròng nhiều phiên liên tục với khối lượng lớn. Kết quả kinh doanh tích cực cùng dư địa tăng trưởng cao của nhà băng này đang thực sự thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Giải mã hiện tượng khối ngoại ồ ạt mua vào HDB

Kể từ đầu tháng 4 tới nay, nhà đầu đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường, nhưng cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) lại liên tục được các nhà đầu tư ngoại thêm vào danh mục.

Tính tới phiên sáng 29/4, trong 20 phiên giao dịch của tháng 4, có tới 17 phiên nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu HDB với tổng khối lượng mua ròng tính tới phiên sáng 29/4 là hơn 9,84 triệu đơn vị, giá trị mua ròng hơn 247 tỷ đồng, thuộc top cổ phiếu được khối ngoại mua ròng lớn nhất trong tháng 4.

Trong đó đáng chú ý, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF với quy mô hơn 270 triệu USD (tương đương hơn 6.200 tỷ đồng), đã liên tục mua vào HDB. Trước đó, quỹ đầu tư đến từ châu Âu PYN Elite Fund cũng tăng mạnh tỷ trọng đầu tư vào HDB đưa cổ phiếu này vào top 3 khoản đầu tư lớn nhất tính tới cuối tháng 3/2021.

Phát biểu tại ĐHCĐ trực tuyến của HDBank hôm 23/4, ông Petri Derying, nhà sáng lập kiêm lãnh đạo PYN Elite Fund đã chúc mừng HDBank có một năm 2020 thành công, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào triển vọng của Ngân hàng và kinh tế Việt Nam.

Cũng tại ĐHCĐ này, đại diện hai nhà đầu tư chiến lược của HDBank là quỹ DEG trực thuộc Ngân hàng phát triển Đức (KfW) và quỹ Affinity đã bày tỏ cam kết gắn bó lâu dài với HDBank. Đây là 2 quỹ đã rót 160 triệu USD mua trái phiếu quốc tế HDBank phát hành năm 2020 để bổ sung vốn cấp 2. Các đại diện của DEG và Affinity chia sẻ họ rất tin tưởng năng lực quản trị, tiềm năng tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của HDBank khi ngân hàng đi qua đại dịch Covid-19 với kết quả tích cực và bứt phá mạnh mẽ trong quý 1/2021.

Theo báo cáo tài chính quý I/2021 vừa công bố, trong quý đầu năm, HDBank đạt hơn 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 68% so với quý I/2020. Thu nhập dịch vụ tăng trưởng trên 98%, cho thấy dư địa phát triển lớn. Dư địa tăng thu nhập dịch vụ của nhà băng này còn rộng mở khi các mảng bancassurance, thẻ tín dụng và các dịch vụ khác đang ngày một khởi sắc.

Tại 31/3/2021, huy động vốn và phát hành giấy tờ có giá đạt 219.266 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 31/12/2020. Dư nợ tín dụng đạt 197.970 tỷ đồng, tăng 5,2% với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục