Giải mã động lực mua ròng của khối ngoại

(ĐTCK) VN-Index tăng điểm liên tiếp, chủ yếu do sóng tăng giá từ các cổ phiếu lớn được NĐT nước ngoài mua ròng, trong đó có các quỹ ETF.
Giải mã động lực mua ròng của khối ngoại

Đầu tuần này (ngày 20/1), các NĐT nước ngoài đổ ròng vào rổ VN30 hơn 259 tỷ đồng, con số lớn chưa từng có trong một phiên, dù cho mức mua ròng toàn sàn HOSE của khối ngoại có giảm. Toàn phiên ngày 20/1, khối ngoại rót hơn 500 tỷ đồng vào sàn HOSE, lượng mua của họ chiếm trên 26% tổng giao dịch toàn thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index đã có 12 phiên tăng điểm liên tiếp, đưa chỉ số vượt mốc 550 điểm. Theo báo cáo của CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), đây là mức điểm cao nhất mà VN-Index đạt được kể từ xu hướng tăng dài hạn diễn ra trong năm 2009 - năm có gói kích cầu nền kinh tế. Phiên hôm qua (21/1), VN-Index tiếp tục tăng điểm, nhưng mức tăng đã hạ nhiệt, NĐT nước ngoài bắt đầu giảm mua tại các cổ phiếu trụ cột. Điều này không gây nhiều bất ngờ, khi mức tăng giá cổ phiếu là quá nhanh trong những phiên trước đó.

Theo ông Vũ Hoàng Hà, Phó giám đốc CTCK VNDirect - Chi nhánh TP. HCM, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc khối ngoại giải ngân mạnh trong giai đoạn gần đây là do thặng dư (prenium) giữa giá chứng chỉ quỹ (CCQ) trên thị trường và giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ ETF trên TTCK Việt Nam duy trì ở mức cao, có phiên lên đến hơn 9%. Với mức premium cao như vậy, các NĐT sẽ mua CCQ từ công ty quản lý quỹ theo NAV và bán lại trên sàn với giá thị trường để hưởng chênh lệch. Nhờ đó, các quỹ ETF có thêm nguồn tiền mới để giải ngân trên TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, các quỹ ngoại thường giải ngân vào đầu năm, do có nhiều thông tin hỗ trợ như kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV vừa qua của một số doanh nghiệp, các chính sách mới về kinh tế… Tuy nhiên, các quỹ ETF chủ yếu tập trung vào cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành, bởi yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, mặt khác cổ phiếu có tính thanh khoản cao, có thể mua/bán ngay nhằm đáp ứng tỷ lệ trong cơ cấu danh mục của quỹ.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, chuyên viên phân tích kỹ thuật MBKE cho biết, từ đầu tháng 1 đến nay, các quỹ ETF lớn hoạt động tại thị trường Việt Nam liên tiếp thu hút được vốn từ các NĐT. Chẳng hạn,  Market Vector Vietnam ETF đã huy động được thêm 5,8 triệu USD, FTSE Vietnam UCIST ETF huy động được thêm 3,3 triệu USD..., bắt nguồn từ việc giá CCQ liên tục tăng và có mức tăng mạnh hơn thị trường chung. Đơn cử, giá CCQ Market Vector Vietnam ETF từ đầu năm đến nay tăng 14,4%, trong khi VN-Index tăng 9,7%, HNX-Index tăng 6,8%. Chính điều này tạo nên hiện tượng thặng dư của Quỹ và giúp Quỹ liên tục huy động vốn thành công. Hiện tại, thặng dư của Quỹ Market Vector Vietnam ETF ở mức 9,86%, trong khi mức thông thường là 2%, cho thấy triển vọng huy động thêm vốn của quỹ này trong thời gian tới.

Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong thời gian gần đây tập trung vào nhóm blue-chip và phần lớn trong số này nằm trong danh mục đầu tư của 2 quỹ ETF nêu trên. Theo ông Lâm, giá CCQ ETF tăng cao phản ánh kỳ vọng của các NĐT nước ngoài vào khả năng tiếp tục tăng điểm của TTCK Việt Nam.

Xét về dài hạn, ông Lâm cho rằng, động thái mua ròng của khối ngoại bắt nguồn từ kỳ vọng kinh tế năm 2014 của Việt Nam khởi sắc hơn. Những động lực chính của TTCK trong năm nay là hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC sẽ mạnh hơn, khả năng hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP… Đặt trong bối cảnh nhiều TTCK của các nước mới nổi đang bị tác động tiêu cực do động thái thu hẹp gói kích thích kinh tế Mỹ của FED, Việt Nam có khả năng trở thành lựa chọn thay thế phù hợp cho dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) nhận xét, sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay thể hiện niềm tin của NĐT đang quay trở lại. Sự tăng trưởng này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có triển vọng nới “room” cho NĐT nước ngoài, nhưng quan trọng nhất vẫn là những tín hiệu tích cực từ yếu tố vĩ mô. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của TTCK.

Ông Tân cho rằng, điều quan trọng không phải là VN-Index sẽ đạt được bao nhiêu điểm, mà là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế đã qua đi. Các chỉ số vĩ mô chứng tỏ việc thoát đáy này đã được xác nhận, chứ không phải là dự báo. Giai đoạn 2012 - 2013 đã sàng lọc nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp nào trụ lại được chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn trong năm 2014. Bên cạnh đó, các công ty quản lý quỹ dự kiến đưa ra nhiều sản phẩm mới, tạo động lực cho sức cầu.         

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục