Trái chiều giá cổ phiếu và tình hình kinh doanh
Cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt gần đây giảm giá từ trên 90.000 đồng/cổ phiếu xuống 75.000 đồng/cổ phiếu đang khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bối rối. Mặc dù là cổ phiếu lớn ngành bảo hiểm, song từ phiên 24/4 đến nay, cổ phiếu BVH gần như giảm giá liên tục, thậm chí có 2 phiên giảm sàn liên tiếp ngày 2/5 và 3/5, mà không phải do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vấn đề.
Được biết, trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, BVH công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc điều chỉnh thông tin loại chứng khoán từ hạn chế chuyển nhượng sang tự do chuyển nhượng đối với 60% số lượng cổ phiếu ESOP đã phát hành năm 2018. BVH đưa thêm hơn 12,2 triệu cổ phiếu lên sàn, con số rất nhỏ so với khối lượng lưu hành hơn 700 triệu đơn vị. Tuy nhiên, số ESOP lúc đó được phát hành với giá 35.900 đồng/cổ phiếu, chênh lệch lớn với thị giá hiện tại có lẽ đã thúc đẩy lực bán cổ phiếu ESOP, khiến giá cổ phiếu sụt giảm.
Kỳ kinh doanh quý I/2019 ghi nhận một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoài, tuy nhiên, thị giá cổ phiếu phản ứng yếu ớt với thông tin này, thậm chí không phản ứng thuận theo mức tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) đạt doanh thu 907 tỷ đồng, tăng 278%; lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng, tăng 667% so với cùng kỳ năm 2018.
HDG cho biết mức, kết quả khả quan này chủ yếu đến từ mảng bất động sản và khách sạn, ngoài ra mảng năng lượng và xây lắp tiếp tục ổn định. Trong kỳ, Công ty đã bàn giao nhà tại một số dự án bất động sản như Hado Centrosa Garden và Hado Riverside, giúp lợi nhuận tăng mạnh. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của doanh nghiệp trong 1 tháng vừa qua giảm hơn 12%.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của HDG cho rằng, diễn biến giảm giá của cổ phiếu HDG một phần là do biến động thị trường, một phần là do nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời (cổ phiếu HDG tăng giá hơn 20% trong giai đoạn từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3/2019).
Theo lãnh đạo HDG, nhiều cổ phiếu khác bị ảnh hưởng do tính chu kỳ của thị trường. Thời điểm hiện tại đã qua “sóng” thông tin tốt, trong khi dòng tiền từ năm 2017 đến nay cũng như trong thời gian tới cơ bản sẽ đi theo câu chuyện nâng hạng thị trường.
Theo đó, những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sẽ được hưởng lợi, còn nhóm cổ phiếu niêm yết vốn hóa trung bình và nhỏ dù doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tốt đến mấy cũng chỉ nằm trong một nhánh nhỏ trong xu hướng lớn trên. Bởi vậy, nhiều cổ phiếu hiện tại chưa thể bứt phá khi còn bị chi phối bởi tâm lý thị trường chung.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG), quý I/2019 ghi nhận kết quả kinh doanh hợp nhất với doanh thu 83 tỷ đồng và lợi nhuận 20,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 42% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vậy, giá cổ phiếu TIG sau khi có diễn biến tăng trong nửa đầu tháng 4, nhưng cũng không vượt quá 4.000 đồng/cổ phiếu và gần đây có diễn biến điều chỉnh giảm.
Nắm giữ cổ phiếu ở mức giá thấp, cổ đông TIG đã đưa vấn đề này ra Đại hội đồng cổ đông chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp. Ban lãnh đạo TIG nhận định, giá cổ phiếu Công ty giảm một phần do kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng như kế hoạch đặt ra, nhưng phần lớn là do thị trường và yếu tố đầu cơ.
Tuy vậy, để cải thiện giá cổ phiếu, Ban lãnh đạo không thể có động thái can thiệp không đúng quy định, mà cần tập trung đảm bảo cho Công ty phát triển, có thể chậm nhưng chắc, hạn chế rủi ro.
Một số doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG), Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT)... cũng gặp phải tình trạng này, khi kết quả kinh doanh tăng trưởng nhưng giá cổ phiếu phản ứng không tích cực.
Ngược lại, có những cổ phiếu bỗng dưng tăng giá phi mã, trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không xuất hiện điểm sáng nào. Chẳng hạn, sau một thời gian dài nằm ở mức giá 2.000 đồng/cổ phiếu và không có giao dịch, cổ phiếu TVM của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Mỏ và Công nghiệp - Vinacomin bỗng dưng xuất hiện các lệnh khớp nhỏ với giá cao, đẩy giá lên trên 7.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau 9 phiên giao dịch từ ngày 22/3 đến 3/4, trong đó có 8 phiên tăng trần liên tiếp.
TVM có vốn điều lệ 24 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1,1 tỷ đồng, giảm so với mức 1,7 tỷ đồng năm 2017. Năm 2019, Ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi 1 tỷ đồng. Kết quả quý kinh doanh quý đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận chưa đầy 20 triệu đồng.
Cổ phiếu VCR của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex cũng gây bất ngờ khi giá tăng vọt trong tháng 3/2019. Cổ phiếu này có 13 phiên giao dịch tím lịm, đẩy giá từ 4.800 đồng/cổ phiếu ngày 7/3 lên 15.200 đồng/cổ phiếu ngày 25/3.
Diễn biến này khó giải thích khi năm 2018, VCR thua lỗ năm thứ hai liên tiếp với khoản lỗ hơn 11 tỷ đồng. Quý I/2019, VCR không có doanh thu và lỗ trên 1,7 tỷ đồng. Hiện VRC lỗ lũy kế trên 82,2 tỷ đồng, nguồn vốn của Công ty đến chủ yếu từ nợ phải trả (582 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nguồn vốn).
Triển vọng khác biệt giữa các ngành nghề
Trong đánh giá mới nhất của Công ty Chứng khoán BSC về triển vọng thị trường chứng khoán quý II/2019, cổ phiếu Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp do đã bước qua nửa cuối mùa công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm và mùa đại hội cổ đông 2019. Triển vọng nhiều ngành, lĩnh vực trong 1 - 2 năm tới có sự khác biệt lớn, điều này sẽ khiến thị trường chứng khoán tiếp tục phân hóa mạnh và biên độ dao động giá lớn.
Cụ thể, nhóm bảo hiểm phi nhân thọ, cảng biển, công nghệ - bưu chính, dệt may, điện, ô tô và tiêu dùng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019 nhờ nhu cầu tăng trưởng bền vững, hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển các ngành sản xuất sang Việt Nam, được hỗ trợ bởi chiến tranh thương mại Mỹ -Trung.
Ngân hàng, dầu khí, bất động sản, xây dựng, thép, gạch men, nhựa, xi măng, dược, phân bón, vận tải biển, săm lốp, cao su, thủy sản là những ngành, lĩnh vực có dấu hiệu chững lại đà tăng trưởng.
Trong khi đó, ngành mía đường được đánh giá kém khả quan khi đang đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2019 do tình trạng dư cung, giá hàng hóa chưa hồi phục. Bởi vậy, cổ phiếu mía đường khó có khả năng bứt phá, dù lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang được cải thiện.
Một số nhóm ngành như nhựa, phân bón, vận tải biển dự báo sẽ gặp bất lợi về giá nguyên liệu khi giá dầu có xu hướng tăng trở lại.