Giải mã biến động thị phần môi giới quý III

(ĐTCK) Thị trường chung chùng lại, thể hiện qua thanh khoản trung bình giảm, nhiều cổ phiếu bớt “hot” khiến tỷ lệ thị phần môi giới của các công ty chứng khoán có sự thay đổi trong quý III.
Thị phần môi giới của SSI gia tăng liên tục trong 3 quý đầu năm, nhờ chiến lược đẩy mạnh  mảng khách hàng cá nhân Thị phần môi giới của SSI gia tăng liên tục trong 3 quý đầu năm, nhờ chiến lược đẩy mạnh mảng khách hàng cá nhân

ART rớt top vì cổ phiếu đầu cơ bớt “hot”

Trong quý II, một số công ty chứng khoán, trong đó có Artex (ART) đã gia tăng mạnh thị phần nhờ các tài khoản giao dịch lớn lượng cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường như ROS, FLC, NVL, SAB…

Theo tính toán của một công ty chứng khoán, những mã cổ phiếu nằm trong họ FLC và FIT chiếm khoảng 25% giá trị giao dịch thị trường quý II. Bước sang quý III, giao dịch của nhóm cổ phiếu này kém sôi động.

Điều này cũng kéo theo ART không còn nằm trên bảng thị phần Top 10. Các công ty chứng khoán dựa vào giao dịch của các mã cổ phiếu thị trường để tăng thị phần thường thiếu sự ổn định, khi cổ phiếu giao dịch sôi động thì tăng, nhưng chỉ cần trầm lắng thị phần sẽ giảm tương ứng.

Cũng có ý kiến cho rằng, con số thị phần chỉ tương đối, bởi chưa thể tách bạch được các giao dịch “mua tay trái bán tay phải”. Giả định ở những cổ phiếu có tác động lớn đến VN-Index thực hiện “kỹ xảo” trên tại một công ty chứng khoán nào đó cũng có thể giúp công ty chứng khoán đó gia tăng thị phần đáng kể. Khả năng, trong quý IV, Top 10 thị phần môi giới sẽ có sự khác biệt.

Miếng bánh thị phần top đầu lớn hơn

Theo công bố thị phần môi giới từ quý III/2017 từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, SSI và HSC tiếp tục ở trong top đầu. Không những vậy, thị phần còn tăng thêm lần lượt 1,06% và 0,7% so với quý II. Ở vị trí thứ 3 và 4, dù tăng lên về thị phần, nhưng có sự thay đổi vị trí, VNDS lọt Top 3, còn VCSC ở vị trí thứ 4. Vị trí thứ 5 vẫn thuộc về MBS. Điều này cho thấy có sự dịch chuyển khách hàng từ các công ty chứng khoán top dưới sang các công ty chứng khoán hàng đầu.

SSI đã giữ được phong độ gia tăng thị phần liên tục trong ba quý đầu năm. Nguyên nhân được cho là vì vài năm gần đây, SSI đẩy mạnh hơn mảng khách hàng cá nhân. SSI đang chiêu mộ nhân sự giỏi, kéo theo đó là lượng khách hàng ruột của nhân sự về mở tài khoản giao dịch. Cộng thêm với đó là chính sách cho vay margin của SSI được đánh giá ổn định, sẵn sàng tài trợ cao.

Ông Bùi Thế Tân, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, để có thể duy trì lợi thế cạnh tranh và dẫn đầu thị trường về mảng môi giới, SSI luôn tập trung đẩy mạnh đầu tư vào vấn đề nhân sự, đào tạo, mở rộng số lượng môi giới, gia tăng số lượng phòng giao dịch. Chỉ riêng trong tháng 9 vừa qua, SSI đã mở thêm 2 phòng giao dịch mới, nâng số lượng địa điểm giao dịch của SSI trên cả nước lên con số 12.

Thông thường, một công ty chứng khoán muốn tăng thị phần thì phải trông đợi tới 60 - 70% vào mảng khách hàng cá nhân, còn lại là khách hàng tổ chức. Trong khi đó, các khách hàng tổ chức cũng chỉ lựa chọn các công ty trong Top 5 thị phần để mở tài khoản giao dịch. Chia sẻ của một công ty chứng khoán có 100% vốn nước ngoài, nhiều khách hàng dù biết công ty mẹ của công ty này rất lớn, nguồn lực của công ty tại Việt Nam cũng tốt, nhưng công ty vẫn không thể thành công trong việc mời họ mở tài khoản.

Câu chuyện thị phần môi giới đi liền với chính sách margin không xa lạ với thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn lực cho vay và độ mở của danh mục cho vay ký quỹ là yếu tố quyết định việc gia tăng giao dịch tại một công ty chứng khoán.

Theo chia sẻ của SSI, Công ty không bị căng dư nợ như các công ty khác và thậm chí còn tăng dư nợ. Cụ thể, trong tháng 9, dư nợ bình quân hơn 4.000 tỷ đồng, SSI chưa có trường hợp call margin nào.

Được biết, ở một số công ty chứng khoán, nguồn vốn cho vay margin bị hạn chế và tốc độ đưa các sản phẩm thích hợp cho các nhà đầu tư lớn chậm hơn so với các công ty chứng khoán khác cũng khiến thị phần bị giảm theo.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả SSI và HSC đều là những công ty dẫn đầu thị phần, mỗi công ty chiếm hơn 1/3 thị phần trên thị trường mới.

Trong quý vừa qua, VNDS có sức bật khá tốt nhờ chiến lược tập trung cho các sản phẩm giao dịch trực tuyến trên điện thoại, máy tính rất tốt, nhiều tiện ích và dễ sử dụng đã phát huy hiệu quả. Đồng thời, theo một chuyên gia chứng khoán cho biết, VNDS được đánh giá là công ty có chính sách margin khá hấp dẫn. Nhiều cổ phiếu có thanh khoản cũng được giao dịch nhiều ở các tài khoản mở tại VNDS.

Ngược lại, VCSC kỳ này tụt một hạng, chủ yếu do giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài trong quý III có phần giảm so với quý II. Trong khi đó, VCSC là công ty chứng khoán có tỷ trọng khách hàng nước ngoài, khách hàng tổ chức lớn. Bên cạnh đó, trong quý III, hoạt động IPO doanh nghiệp nhà nước trầm lắng. Do vậy, điều này đã ảnh hưởng đến phần nào thị phần của Công ty.

Cũng trong mối tương quan giữa nguồn vốn cho vay margin với thị phần môi giới, sau khi tăng vốn điều lệ lên hơn 1.100 tỷ đồng, KIS đã có sự bứt phá lọt Top 10 thị phần môi giới, nhưng trong quý III vừa qua đã rớt hạng.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, khả năng KIS đang trong đợt “rà soát” của công ty mẹ nên các hoạt động, dịch vụ tài chính tạm thời “cầm chừng”, lượng cung margin giảm đã ảnh hưởng ngay đến thị phần của KIS.

Nguồn tin này cho hay, nếu thuận lợi, KIS sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ trong năm 2018. 

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục