Giải cứu doanh nghiệp, nên giảm thêm thuế

(ĐTCK) Xem xét khả năng tiếp tục giảm thuế và phí cho DN, để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, phát triển bền vững… Khuyến nghị này vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ra, đồng thời coi đây là một trong những ưu tiên chính sách cần triển khai trong năm nay.
Giải cứu doanh nghiệp, nên giảm thêm thuế

Cứu doanh nghiệp, bắt đầu từ đâu?

Nhiều khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra trong Bản tin kinh tế vĩ mô quý I/2013. Theo đó, để chính sách tài khóa nhanh “ngấm” tới DN, thiết thực hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, cần ưu tiên triển khai một số giải pháp “nóng” ngay trong năm 2013.

Đầu tiên là khẩn trương thanh quyết toán nợ đọng từ các công trình đầu tư công. Việc giải tỏa “nút thắt” này là rất quan trọng, bởi một phần nguyên nhân của gia tăng nợ xấu hiện nay là do nợ dây chuyền giữa các DN thực hiện các công trình xây dựng cơ bản của Nhà nước, nhưng chậm được chủ đầu tư thanh toán.

Giải cứu doanh nghiệp, nên giảm thêm thuế ảnh 1

Cần tính toán kỹ mức độ miễn/giảm thuế cho phù hợp với từng loại hàng hóa, tránh kích cầu hộ nước ngoài

Cũng cần ưu tiên giải ngân cho các dự án dang dở để nhanh chóng hoàn thành, đưa vào sử dụng. Giải pháp này sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”: vừa tiêu thụ hàng tồn kho (yêu cầu các chủ đầu tư sử dụng tối đa nguyên vật liệu trong nước với các công trình đầu tư và xây dựng cơ bản của Nhà nước), vừa tránh lãng phí do đầu tư dang dở.

Ngoài ra, nên tiếp tục xem xét hoãn và tiến đến miễn giảm thuế giá trị gia tăng, nhất là với các mặt hàng tồn kho lớn, có tỷ lệ sản xuất nội địa cao, để hỗ trợ DN. Giải pháp này cần tính toán kỹ lưỡng, để chọn chính xác danh mục các mặt hàng và mức độ miễn/giảm thuế giá trị gia tăng phù hợp cho từng loại hàng hóa, tránh kích cầu hộ nước ngoài.

Trong trung hạn (2013 - 2015), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, cần xem xét khả năng tiếp tục giảm thuế và phí đối với người dân và DN, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có khả năng tăng tiết kiệm, góp phần cho phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu này, việc cải cách hệ thống thuế cần tập trung mở rộng cơ sở thuế, đồng thời hạ thấp thuế suất để kích thích kinh tế, vừa giảm gánh nặng nộp thuế vừa giảm thất thu thuế.

Để tạo cơ hội cho DN vừa và nhỏ, vốn chiếm tới hơn 90% tổng số DN trên cả nước, có thêm nguồn lực phát triển, cần kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trọng  tâm  là các  tập đoàn, tổng công ty. Điều quan trọng là buộc DNNN phải chịu ràng buộc ngân sách cứng, phải bình đẳng với các DN tư nhân và chịu sự giám sát chặt chẽ theo tiêu chuẩn của các công ty niêm yết trên TTCK.

 

Giải quyết nợ xấu, tránh “dàn hàng ngang”

Giải quyết nợ xấu đang là một trong những điểm nóng của chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong năm nay. Tuy nhiên, để giải quyết nợ xấu hiệu quả, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ngoài những giải pháp thông dụng, trong năm 2013, cần có các giải pháp đặc thù đối với từng ngành hay nhóm DN hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu.

“Phá băng thị trường BĐS có thể làm giảm nợ xấu, giảm hàng tồn kho và kích thích nền kinh tế tăng trưởng...”, Bản tin nhận định, đồng thời đặt ra hàng loạt câu hỏi: tiền dùng để cứu BĐS lấy từ nguồn nào? Làm thế nào để kiểm soát dòng tiền không chảy vào nhóm lợi ích, các DN sân sau, thân quen? Trả lời được các câu hỏi này một cách công khai sẽ làm cho người dân, nhà đầu tư tin tưởng vào chính sách. Thực tế, việc thực hiện hâm nóng, hay phá băng BĐS đòi hỏi phải có sự minh bạch trong việc rót tiền cứu trợ vào các DN.

Từ năm 2013 - 2015, để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hơn, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần thực hiện quyết liệt. Tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ, tránh trường hợp “lãi giả lỗ thật” và giảm tỷ lệ nợ xấu bền vững. Cũng cần tập trung giám sát chặt việc sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Quan trọng là cần hạn chế tối đa việc sử dụng công cụ hành chính trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia nói chung, chính sách quản lý tín dụng và tỷ giá nói riêng. Nâng cao tính minh bạch, tính nhất quán và tính tiên liệu trong điều hành chính sách tiền tệ, nhằm tăng cường niềm tin của thị trường vào các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt, để giúp nền kinh tế có thể tự hấp thụ và phản ứng tốt hơn các cú sốc từ kinh tế toàn cầu.

Tân Văn
Tân Văn

Tin cùng chuyên mục