Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới Khối Khách hàng cá nhân, CTCK VNDirect cho rằng, tâm lý nhà đầu tư cá nhân nhìn chung luôn bị cuốn theo sự hưng phấn của thị trường, nên khi VN-Index vượt lên trên ngưỡng 600 điểm, thanh khoản tăng cao cũng là lúc tình trạng nhà đầu tư sử dụng dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) tại các CTCK ở mức cao. Do vậy, khi thị trường điều chỉnh giảm, hiện tượng giải chấp trong tuần vừa qua diễn ra khá phổ biến, càng khiến thị trường chịu áp lực bán, trong khi lực cầu suy yếu bởi dòng tiền bắt đầu có xu hướng “nghỉ ngơi”.
“Hiện tại, ở các CTCK, mức độ margin đã giảm khá nhiều, nhưng vẫn tương đối cao”, ông Du nói và cho biết, tại VNDirect, hầu như không có giải chấp trong tuần qua do Công ty thực hiện việc thắt chặt dịch vụ margin, hạn chế nhà đầu tư sử dụng margin từ cuối tháng 3 khi Công ty nhìn nhận mức độ hưng phấn của thị trường là quá cao.
Trong khi đó, theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Maybay KimEng, khi thị trường giảm từ mức trên 600 điểm lần thứ nhất đã có hiện tượng giải chấp tại một số CTCK. Hiện tượng này tiếp tục xuất hiện trong tuần qua khi VN-Index từ mức trên 600 điểm lần thứ hai xuống vùng 570 điểm nên cùng với khối ngoại, tự doanh, NĐT lớn bán ra thì áp lực margin còn lớn hơn. Mặc dù vậy, khi VN-Index nằm dưới vùng 570 điểm, có dấu hiệu của dòng tiền lớn quay lại thị trường. Thị trường phiên hôm qua bật tăng trở lại, tuy nhiên, để TTCK quay trở lại xu hướng tăng trong ngắn hạn là rất khó, vì dòng tiền này chỉ mua cổ phiếu ở vùng giá thấp, nhiều mã chỉ được mua ở mức giá sàn. Do vậy, trong ngắn hạn, dự báo thị trường tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm, nhưng mức giảm sẽ không còn “khủng khiếp” như những ngày qua. Bên cạnh đó, áp lực margin dù vẫn còn, nhưng giải chấp đã được một phần nên lượng margin còn lại kỳ vọng sẽ được hấp thu hết nhờ sự quay lại của dòng tiền lớn nêu trên.
Thống kê sơ bộ cho thấy, có nhiều mã cổ phiếu đã giảm mạnh 20 - 30% từ đỉnh gần nhất và theo ông Nguyễn Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS thì hầu hết trong số này thuộc vào nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ. Trong khi đó, nhà đầu tư khi mua các cổ phiếu này thường có mức độ sử dụng margin cao. Do đó, hoạt động giải chấp của các CTCK đối với những tài khoản thuộc diện này là có. Nếu thị trường vẫn điều chỉnh giảm, hoạt động giải chấp nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Khi ĐTCK đặt câu hỏi về tình hình giải chấp cụ thể tại một số CTCK lớn thì hầu hết CTCK đều chung câu trả lời rằng, hoạt động giải chấp trên thị trường có, nhưng tại các CTCK được hỏi diễn ra không đáng kể. Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) cho rằng, trong thời gian qua, lượng margin tại các CTCK tương đối lớn, nhưng hiện tại đã giảm nhiều. Đối với Agriseco, Công ty chưa phải thực hiện bán giải chấp tại bất kỳ tài khoản nào của khách hàng. Theo bà Lan, hiện tượng giải chấp trên thị trường đang giảm dần, thị trường hiện có dấu hiệu ổn định trở lại nên lượng bán giải chấp sẽ không nhiều.
Ngoài áp lực giải chấp khiến thị trường giảm mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là dòng tiền lớn bán ra chốt lời sau một đợt tăng dài đạt kỳ vọng và liên tục rút ra khỏi thị trường để “nghỉ ngơi”. Hơn nữa, hầu hết cổ phiếu tăng giá mạnh trong đợt sóng tăng vừa qua, nhưng đa số đều mang yếu tố kỳ vọng, trong khi sự hồi phục chung của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động các doanh nghiệp vẫn khá chậm chạp. Ngoài ra, trong thời gian này, các tin hỗ trợ thiếu vắng hoặc đã phản ánh vào giá, còn thông tin sắp nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài được nhiều nhà đầu tư trông ngóng chưa xác định được thời điểm ban hành quyết định này.
Theo ông Nguyễn Trung Du, những đợt điều chỉnh như vừa qua giúp thị trường tìm được điểm cân bằng trung hạn và tích lũy cho những đợt sóng tăng sắp tới, với sự chuyển biến của các yếu tố vĩ mô cũng như các doanh nghiệp rõ rệt hơn.