Hóa giải mâu thuẫn
Chắc chắn không phải tình cờ, khi mà tại cuộc tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm qua (19/9), khá nhiều diễn giả đã đề cập chuyện tăng thuế, phí trong phiên thảo luận về “Cách thức thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp”.
Thậm chí, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dẫn câu chuyện một doanh nghiệp (DN) ở Thái Nguyên vừa gửi email cho ông cách đây ít ngày than phiền chuyện đã mất quá nhiều tiền cho phí cảng biển ở Hải Phòng.
Con số lên tới 300 - 400 triệu đồng là quá lớn. Hiện tại, với doanh thu hàng năm 800 tỷ đồng, DN này nộp cho ngân sách nhà nước 30 tỷ đồng/năm. Song quyết định thu phí quá lớn của Hải Phòng đã khiến vị doanh nhân này chán nản, thậm chí tính đến phương án thu hẹp kinh doanh.
“Đúng là việc thu phí hạ tầng cảng biển khiến Hải Phòng có được khoản thu lớn, nhưng có ai nghĩ tới, điều đó sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh của DN như thế nào? Tăng thu cho địa phương nhưng lại ảnh hưởng lớn tới DN, trong trường hợp này chí ít có thể ảnh hưởng khoản nộp ngân sách 30 tỷ đồng. Đã bao giờ câu chuyện lợi ích toàn cục được tính đến?”, ông Tuấn nói và cũng nhắc tới những đề xuất gần đây của Bộ Tài chính về việc sửa đổi các chính sách thuế, khiến không ít DN choáng váng.
Đây là điều, theo ông Tuấn, cần phải cân nhắc, bởi đơn cử, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có thể làm giảm tiêu thụ, kéo theo đó là ảnh hưởng tới thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tới các DN mía đường, DN phân phối, bán lẻ…
“Khi quyết định tăng thuế bất cứ mặt hàng nào, phải nghiên cứu kỹ các tác động trực tiếp, gián tiếp”, ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ quan điểm.
Một cách thẳng thắn, bà Virgirnia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, cho rằng, chẳng DN nào muốn nộp thuế, còn Chính phủ thì muốn tăng thu. Và đó chính là một mâu thuẫn mà Việt Nam phải hóa giải. Nếu DN tăng được sản xuất, thì Chính phủ cũng tăng thu ngân sách.
“Phải làm sao để khu vực tư nhân thấy rằng, các chính sách đặt ra là hứa hẹn để họ bỏ vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Virgirnia Foote nói.
Một thực tế hiện nay, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, các giải pháp để thúc đẩy tăng thu, bao gồm cả sửa đổi các sắc thuế, đang được đề xuất. Và điều đó là dễ hiểu. Nhưng chỉ lo tăng thu mà không có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu thì lợi bất cập hại.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chính phủ đã thống nhất không tăng thuế, phí trong năm 2017. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải nghiên cứu, đánh giá tác động, lấy ý kiến đóng góp từ các DN trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.
Dù vậy, ở một góc nhìn khác, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bất kể là tăng hay giảm thuế thì cũng phải minh bạch và đảm bảo tính dễ tiên liệu.
“Và quan trọng là, Việt Nam thực sự cần cải cách tổng thể về thuế phí, thu - chi ngân sách, chi thường xuyên, chi đầu tư, gắn với cải cách bộ máy nhà nước. Phải cải cách tổng thể thì mới đủ sức giải trình với xã hội, với người dân”, ông Võ Trí Thành nói.
Khi tất cả được “giải trình” rõ ràng, các mâu thuẫn được hóa giải, chính sách minh bạch, thì khu vực DN mới có thêm lòng tin và động lực để cùng Chính phủ gánh vác nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tính đến tầm nhìn dài hơi
Hiện số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm chưa được công bố, song ông Trần Quốc Phương khá lạc quan về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, mục tiêu mà Chính phủ xác định “không tăng trưởng bằng mọi giá” nhưng quyết tâm “tận dụng từng cơ hội để đẩy mạnh”.
Khi các mâu thuẫn được hóa giải, chính sách minh bạch, thì khu vực DN mới có thêm lòng tin và động lực để cùng Chính phủ gánh vác nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tuy nhiên, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho rằng, cần phải tính đến tầm nhìn dài hơi hơn, chứ không chỉ cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Bởi vậy, ông Hưng đề cập câu chuyện mới đây, Bộ Công thương đã công bố cắt giảm một loạt điều kiện kinh doanh, để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN và đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song lại không quá nhấn mạnh chuyện đã cắt giảm bao nhiêu thủ tục. Thay vào đó, là tư tưởng đổi mới của bộ này, khi đã xây dựng các bộ phận có liên quan đến kinh tế số, phòng vệ thương mại… Đây chính là các thách thức mà tới đây, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt.
Có chung quan điểm, dù đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gần đây, song ông Võ Trí Thành cho rằng, những cải cách đó mới chủ yếu ở khâu “gia nhập thị trường”, mà chưa quan tâm tới các “công đoạn” sau của quá trình kinh doanh, thậm chí cả rút lui khỏi thị trường.
“Chúng ta cũng mới quan tâm sửa những cái đang có, trong khi đáng lẽ phải đồng thời chuẩn bị cho cả những cái chưa có”, ông Thành nói và nêu ví dụ về Uber, chỉ riêng mô hình này thôi đã “rất phức tạp”, trong khi trong tương lai sẽ còn rất nhiều mô hình tương tự.
Tại tọa đàm trên, hướng tới “tầm nhìn dài hơi hơn”, các chuyên gia đã thảo luận về việc làm sao để kích thích tăng trưởng với các ý tưởng phát triển mới, ý tưởng kinh doanh mới, ý tưởng đầu tư mới. Điều này là quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự báo mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế.