Vì sao quản lý dòng tiền quan trọng khi khởi nghiệp?
Cho tới thời điểm hiện tại, một câu hỏi vẫn thường xuyên được đặt ra tại các hội thảo, tọa đàm về khởi nghiệp là “tại sao các startup Việt Nam nhanh chóng chết yểu sau một thời gian hoạt động?”.
Nhìn vào thực tế hoạt động của các startup, không khó để thấy số lượng dự án thành công chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với những dự án thất bại. Trong đó, nguyên nhân được chỉ ra rằng, ngoài việc nhiều ý tưởng bị dập tắt ngay từ đầu do “đói vốn”, cái khó lớn nhất là việc cá nhân khởi nghiệp/người sáng lập không thể quản lý dòng tiền hiệu quả, dẫn đến các dự án chỉ phát triển được một thời gian ngắn đã chững lại, thậm chí mất tích.
Sự mơ hồ, thiếu kinh nghiệm, cộng với chưa đánh giá chính xác về tính chất phức tạp của lĩnh vực khởi nghiệp dẫn đến việc dù dự án ban đầu có nền tảng tài chính rất tốt, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những người sáng lập đã nhanh chóng rơi vào cảnh “giật gấu vá vai”, loay hoay để nuôi ý tưởng khởi nghiệp mà không biết đến bao giờ mới có thể thành hình hài. Nhất là với các dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ, việc quản lý hiệu quả nguồn vốn đặc biệt quan trọng, bởi các chi phí chìm cho startup công nghệ thường rất lớn, đồng thời khó có thể đoán định và tính toán chính xác, trong khi đây là lĩnh vực được nhiều cá nhân lựa chọn để khởi nghiệp.
Một trong những ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc quản lý nguốn vốn là hành trình khởi nghiệp của ông chủ Vatgia.com, Nguyễn Ngọc Điệp. Xuất thân từ gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời (Nhà may Phú Hưng nổi tiếng), sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, ông Điệp đã nhanh chóng đầu quân cho một doanh nghiệp ở Nhật Bản, trở thành nhân viên với mức lương tháng lên tới hơn 10.000 USD vào thời điểm cách đây 5 – 6 năm.
Năm 2007, ông Điệp rời bỏ vị trí nhân viên để bắt tay xây dựng một trong website thương mại điện tử đầu tiên của Việt Nam. Do đặt chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, cùng với thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư ban đầu hơn 300.000 USD tích lũy qua 2 năm làm việc trước đó đã tiêu tan chỉ trong 12 tháng. Một trong những nguyên nhân là ngay trong giai đoạn khởi động, dự án đã phải trả lương tới vài trăm triệu cho các nhân viên, khiến nguồn vốn ban đầu nhanh chóng cạn kiệt và Vatgia.com đứng chênh vênh trên bờ vực phá sản.
Sau đó, nhờ có sự hỗ trợ từ bạn bè, Vatgia.com đã tiếp tục duy trì hoạt động cho đến tháng 3/2008, khi quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ - IDG đã quyết định rót vốn vào đây. Kể từ đó, Vatgia.com đã có bước chuyển biến ngoạn mục, trở thành một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Câu chuyện về Vatgia.com nêu ra một vấn đề, nếu không thể cầm cự trong khoảng thời gian thiếu vốn cho tới khi quỹ IDG tham gia đầu tư, dự án khởi nghiệp này sẽ đi về đâu, liệu chúng ta có được chứng kiến Vatgia.com như thời điểm hiện tại?
Theo đánh giá của ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Maritime Bank, quản lý hiệu quả dòng tiền có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết những cá nhân khởi nghiệp hiện nay chưa nhận thức, đánh giá, đặt đúng vai trò của quản lý tài chính và dòng tiền, dẫn đến nguy cơ thất bại cao.
“Hầu hết các dự án startup thiên về lý thuyết, bị động trước ý tưởng của mình. Nhiều nhà sáng lập nói rất nhiều về triển vọng lợi nhuận, nhưng không hề đề cập đến tính khả thi của dự án, không có kế hoạch, phân tích đánh giá về thị trường, về đối thủ cạnh tranh, các chi phí chìm, chi phí nổi, đồng thời chưa lượng hóa được những rủi ro có thể gặp phải, dẫn đến không được các nhà đầu tư mạo hiểm quan tâm và để mắt tới, dẫu ý tưởng ban đầu là tốt. Trong khi đó, cần hiểu rằng, giai đoạn đầu tiên của mỗi dự án khởi nghiệp cần phải quản lý được dòng vốn và đảm bảo dòng tiền quan trọng hơn việc tạo ra lợi nhuận”, ông Huy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Nội, CEO – Founder Công ty TNHH Thời trang TINOVY, một startup về thời trang nữ cho biết, thực tế, khó khăn trong quản lý dòng tiền không là câu chuyện của riêng ai, mà của tất cả những doanh nghiệp startup vào thời điểm hiện tại.
Sau hai thế hệ startup với những bước đầu thành công, Việt Nam đang có thế hệ startup thứ ba trẻ trung và sôi nổi hơn. Ngoài lợi thế về sự bùng nổ công nghệ, thị trường mở rộng, tư duy quản lý thông thoáng hơn, thế hệ startup này còn có lợi thế về thị trường khi Việt Nam mở cửa rộng hơn với thế giới qua hàng loạt thỏa thuận tự do thương mại từ Á đến Âu.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở tư duy và góc nhìn trong hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là câu chuyện tư duy về quản lý dòng tiền. Bà Nội cho biết, xuất phát điểm ban đầu của TINOVY là từ một xưởng gia công nhỏ lẻ và chưa hề có ý tưởng về việc biến thành một công ty. Vào thời điểm đó, điều quan trọng là duy trì được hoạt động của xưởng với bộ máy nhân công để họ gắn bó với công việc và gắng sức đẩy mạnh doanh thu của xưởng.
Bà Nội chia sẻ: “Điều quan trọng đối với tôi khi khởi nghiệp là phải tạo ra một giá trị mới, mang tính đột phá, nhất là trong bối cảnh làng thời trang đã quá nhiều thương hiệu cả nội và ngoại. Tuy nhiên, để làm được điều đó, nhất thiết hoạt động cốt lõi ban đầu của mình phải ổn định, mới có thể đảm bảo tích lũy về vốn, về công nghệ và trí thức cho hoạt động mở rộng, phát triển theo mô hình startup sau này”.
Quản lý dòng tiền tốt sẽ gọi vốn tốt
Để gây dựng thành công một doanh nghiệp khởi nghiệp, người sáng lập phải thiết lập được một hạ tầng tài chính đủ mạnh với mô hình kinh doanh hợp lý. Trong đó, hạ tầng tài chính đủ mạnh không phải là có bao nhiêu tiền để khởi nghiệp, mà là việc ý tưởng khởi nghiệp đó sẽ tạo nên một dòng tiền ổn định và bền vững trong dài hạn.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Lê Việt Nga, CFA, Giám đốc Quỹ đầu tư Bright Capital đến từ Singapore chia sẻ, câu chuyện quản lý dòng tiền, quản lý chi phí là một yếu tố rất quan trọng, cần được lãnh đạo các doanh nghiệp khởi nghiệp xác định ngay từ những bước đầu thực hiện dự án. Điều này không chỉ cho phép các ý tưởng dần dần được nuôi dưỡng, mà bản thân những cá nhân khởi nghiệp qua quá trình này cũng tập dượt và rèn luyện cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết về tài chính, góp phần đảm bảo vận hành doanh nghiệp khi các ý tưởng đã thành hình một cách cụ thể.
Ngoài ra, việc quản lý dòng tiền tốt là một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư thiên thần nhìn vào và định giá một doanh nghiệp khởi nghiệp. Cần hiểu rằng, ý tưởng khởi nghiệp là một thứ mơ hồ, do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro để đầu tư. Dù được mệnh danh là người đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp, mục tiêu cuối cùng của các nhà đầu tư thiên thần vẫn là lợi nhuận kỳ vọng thu về sau khi các startup này đã phát triển. Vì vậy, nhà đầu tư chỉ sẵn sàng đổ vốn cho ý tưởng khởi nghiệp có triển vọng, có khả năng tăng trưởng dòng tiền, tăng trưởng quy mô,…
Đồng quan điểm, ông Mạc Quang Huy cho biết, các startup cần lưu ý rằng, khi đi gọi vốn cho dự án khởi nghiệp, người sáng lập phải chấp nhận những điều kiện nhất định và những điều kiện này sẽ được xem xét dựa trên việc ý tưởng đã được lượng hóa cụ thể bằng các con số về dòng tiền như thế nào, rồi từ đó đánh giá về triển vọng phát triển trong dài hạn của các startup.
Đặc biệt, một khi doanh nghiệp startup hướng tới việc đại chúng hóa để thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn nữa, rõ ràng quản lý dòng tiền tốt sẽ là nền tảng vững vàng cho việc kiểm soát các vòng gọi vốn, đồng thời tạo được sự cam kết đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Không dễ để xác định số tiền đầu tư vào startup
Các Lead Investors chỉ đơn thuần dựa vào cảm quan của mình để đưa ra một mức định giá doanh nghiệp, tạm gọi là fair value, nhằm tạo căn cứ hợp lý cho các nhà đầu tư theo chân khác tham chiếu và đầu tư.
Thông thường, khi chưa có các Lead Investor, những người sáng lập là các cá nhân duy nhất tin rằng, ý tưởng khởi nghiệp của họ có tiềm năng, sẽ thuyết phục được người mua. Tuy nhiên, khi có sự tham gia của các Lead Investors, niềm tin này sẽ được cộng hưởng và lan tỏa tới cộng đồng, xã hội, khách hàng tiềm năng.
Điều này để minh chứng một điều rằng, đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp không hề dễ, đặc biệt là với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ngay tại thiên đường khởi nghiệp Singapore, một trung tâm tài chính lớn của thế giới, số lượng nhà đầu tư là Lead Investors cũng chỉ gần tròn hai con số.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc Chính phủ quốc gia này đã hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp khá tốt, đồng thời tạo ra cơ chế ưu đãi một cách phù hợp, để đảm bảo các cam kết đầu tư trong dài hạn của các nhà đầu tư mạo hiểm vào các hoạt động startup.