Anh là Nguyễn Trí Thiện, người được thị trường biết đến với thương vụ sở hữu chi phối Tổng công ty Chè Việt Nam trong lần cổ phần hóa mới đây.
Lập nghiệp trên đất Mỹ
Chia sẻ về những khó khăn ngày đầu khi mới qua Mỹ những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, anh Thiện cho biết, rào cản ngôn ngữ khiến anh rơi vào hoàn cảnh còn tệ hơn cả người mù chữ, đặc biệt là tình trạng phân biệt chủng tộc lúc đó.
Thế nhưng, cuộc sống khó khăn dường như lại là môi trường rất tốt để tôi luyện con người. Học không ngừng nghỉ và chấp nhận làm mọi việc để có thêm thu nhập… đã giúp anh có được nhiều điều hơn mong đợi.
"Ở Mỹ, nhiều nhà không thích con gái yêu một ‘car salesman’ đâu, vì họ nghĩ, những người này không thật" - Nguyễn Trí Thiện
Tốt nghiệp đại học tại California State University of Long Beach chuyên ngành cơ khí, nhưng chỉ sau 6 tháng làm việc đúng chuyên môn trong một công ty phụ tùng tại Mỹ, anh chuyển qua làm nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực xe hơi.
Từ bước ngoặt này, anh nhanh chóng trở thành quản lý kinh doanh cao cấp của Công ty, sau đó vươn lên trở thành người quản lý đội ngũ nhân viên bán ô tô giỏi, nhiều kinh nghiệm và đa chủng tộc tại vùng Nam California, được công nhận và cấp chứng chỉ quản lý cao cấp trong lĩnh vực kinh doanh xe hơi của University of Toyota.
Nhưng ngay lúc ở “đỉnh cao phong độ” của nghề, anh rẽ ngang, chuyển hướng về Việt Nam, cùng bạn bè thành lập CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất (GTN), với hoạt động kinh doanh chính là hướng đến nông nghiệp, thực phẩm, không liên quan gì đến lĩnh vực mà anh đã rất thành công tại Mỹ.
Lý giải cho quyết định táo bạo này, anh cho biết, dù sinh sống trên đất Mỹ, lĩnh hội nền giáo dục và cuộc sống của xã hội Mỹ, nhưng anh chưa bao giờ thôi nghĩ mình là người Việt Nam.
“Tinh thần dân tộc của anh cao lắm”
Đó là câu nói mà anh Thiện đã lặp đi lặp lại với người viết mỗi lần nói về quyết định trở về Việt Nam. Trong gia đình anh, mọi người vẫn giữ nếp sống của người Việt. Con anh hiện 6 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhưng chỉ có tên Việt Nam, nói thông thạo tiếng Việt và luôn đều đặn mỗi tuần 2 buổi được bà nội đưa đi học văn hóa bằng tiếng Việt tại một ngôi chùa Việt Nam bên Mỹ.
“Con mình là người Việt Nam, nên phải nói được tiếng Việt, hiểu về Việt Nam, dù có sống ở đâu đi nữa”, anh nói.
Anh tâm sự, kể từ khi qua Mỹ, lúc chỉ hơn 10 tuổi tới khi về Việt Nam kinh doanh, anh chưa từng về Việt Nam. Khi bạn bè học cùng bên Mỹ trở về Việt Nam lập nghiệp, anh cũng băn khoăn lắm. Sống xa quê hương và phải vật lộn với cuộc sống nơi đất khách quê người, thì tình cảm và lòng thương nhớ quê hương càng lớn hơn gấp bội.
Từ đó, anh tập hợp bạn bè, những người đã góp vốn ở các công ty khác nhau, cùng tham gia tạo nên một GTN kinh doanh nhiều ngành nghề, ở nhiều địa phương. Giai đoạn 2013-2014, khi các ngành nghề kinh doanh tại các công ty con khởi sắc, cũng là lúc GTN niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán. Và đây tiếp tục là bước ngoặt mới với GTN nói chung và cá nhân anh nói riêng, với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty.
"Để bán được hàng, có thể người ta cần nói dối, nhưng để vươn tới đỉnh cao của nghề, lại cần nói thật, chất lượng thật. Và đó sẽ là cách ngành chè của Việt Nam đi ra thế giới" - Nguyễn Trí Thiện.
Nhận thấy ngành nông nghiệp mới chính là cơ hội phát triển lớn tại Việt Nam, đồng thời tận dụng chủ trương đẩy mạnh thoái vốn của Nhà nước và của chính GTN tại các công ty, GTN thực hiện một chiến lược hoàn toàn mới: tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua M&A các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn, mục tiêu là các tổng công ty có lịch sử lâu đời, thương hiệu tốt, dẫn đầu một ngành nghề, có đội ngũ nhân sự chuyên môn kỹ thuật cao nhưng quản trị còn yếu kém và kênh phân phối chưa phát triển…
Theo anh, đây là cách tốt và nhanh nhất để GTN nhanh chóng xây dựng được nền tảng kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp cả về cơ sở sản xuất lẫn thương hiệu, từ đó tập trung các thế mạnh của mình nhằm tạo ra sự đột phá và gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Tăng sở hữu tại Thực phẩm Lâm Đồng với thương hiệu Vang Đà Lạt nổi tiếng, sau đó thực hiện tái cấu trúc trong 3 năm, đến nay, Thực phẩm Lâm Đồng đã được cải thiện mạnh mẽ và toàn diện về chất lượng quản trị, nhận diện thương hiệu, phân phối và đa dạng hóa sản phẩm, thu nhập người lao động…
Thành công đầu tiên này giúp GTN tự tin hơn trong định hướng phát triển. Gần đây nhất, GTN đã sở hữu chi phối Tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea), tham vọng nâng sở hữu chi phối tại Tổng công ty Chăn nuôi (Vilico) và một số doanh nghiệp khác trong thời gian tới.
Từ một doanh nghiệp ít tên tuổi, chỉ sau 1 năm làm quyết liệt chiến lược này, GTN đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Rất nhiều nhà đầu tư có tên tuổi đã đến, tìm hiểu và đề xuất trở thành cổ đông chiến lược. Bản thân anh cũng đang cơ cấu sở hữu về Invest Tây Đại Dương để quản trị tập trung, chuẩn bị cho việc hợp tác lâu dài với các quỹ, tổ chức nông nghiệp thực phẩm lớn trên thế giới tham gia đầu tư vào GTN. Nhưng, mọi thứ mới chỉ bắt đầu!
Tham vọng mang tên Chè Việt Nam
Việt Nam đã đàm phán thành công gia nhập TPP. Sự kiện này được đánh giá có ảnh hưởng rất lớn đến ngành chè Việt Nam. Khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ được miễn đánh thuế xuất khẩu chè vào các quốc gia này, đặc biệt là mức thuế lên tới vài chục phần trăm đối với chè tiêu dùng – một trong những rào cản khiến lâu nay, chè Việt Nam chủ yếu xuất thô ra thế giới, vừa có giá trị gia tăng thấp, vừa mất thương hiệu. Đặc biệt hơn, trong khối này, chỉ có Việt Nam và Nhật Bản là 2 quốc gia sản xuất chè. Cơ hội mở ra lớn, nhưng liệu ngành chè có tận dụng được?
Ngày 7/10/2015, GTN đã hoàn thành việc chuyển tiền mua 74,99% vốn của Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) và chính thức trở thành công ty mẹ của Vinatea. Trong cuộc ĐHCĐ lần 1 của Vinatea, Đại hội đã bầu HĐQT mới gồm có 5 thành viên là: ông Lại Cao Lê (Chủ tịch HĐQT), ông Nghiêm Văn Thắng (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Tạ Văn Quyền, ông Ngô Hồng Thái và ông Lê Mạnh Tiến.
“Mình muốn chè sẽ trở thành một mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Nhật Bản chỉ có 2.000 héc-ta chè, nhưng có doanh thu hàng tỷ USD. Tại sao Việt Nam không làm được như vậy, khi diện tích vùng trồng chè lớn hơn nhiều?”, anh trăn trở.
Đặt câu hỏi và tự mình tìm ra câu trả lời, anh bảo rằng, vấn đề với Việt Nam không phải là tiền, dù chúng ta không giàu, mà là tư tưởng của người làm. Vinatea là thương hiệu lớn, từng được thế giới biết đến, nhưng rồi bị mang tiếng xấu bởi chất lượng không đảm bảo. Vì thế, trong chiến lược phát triển Vinatea, GTN đặt mục tiêu phải làm 2 việc đầu tiên: thay đổi tư tưởng người dân, đào tạo kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng đầu vào của nguyên liệu sản xuất chè và đa dạng hóa sản phẩm theo hướng có giá trị gia tăng cao dần, để hướng đến những đối tượng khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn.
Hiện nay, GTN đã tìm kiếm một số đối tác Nhật Bản và Srilanca để hỗ trợ công nghệ, sẵn sàng bắt tay vào giai đoạn thay đổi mạnh từ chất bên trong Vinatea.
“Sẽ mất khoảng 1 năm để cải tạo lại vùng trồng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn, và đó cũng là khoảng thời gian Ban lãnh đạo đặt mục tiêu đào tạo, nâng cao hiểu biết cho người dân, nhằm tạo ra một vùng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng. Vấn đề còn lại chủ yếu là thương mại, và đó là thế mạnh của mình”, anh hào hứng chia sẻ về triển vọng ngành chè.
“Ở Mỹ, nhiều nhà không thích con gái yêu một ‘car salesman’ đâu, vì họ nghĩ, những người này không thật. Nhưng nghề này dạy mình cách làm tỉ mỉ, hiểu và chăm sóc khách hàng từ trước đến sau khi bán xong, với mục tiêu không chỉ bán hàng cho 1 người, mà là bán cho cả gia đình, dòng họ, bạn bè của người đó thông qua chất lượng chăm sóc khách hàng. Và mình hiểu bí quyết của nghề bán hàng. Kinh nghiệm ấy khiến mình tự tin sẽ ghi danh Chè Việt Nam trên trường quốc tế một cách tốt nhất”, anh Thiện nói và cho hay: “Để bán được hàng, có thể người ta cần nói dối, nhưng để vươn tới đỉnh cao của nghề, lại cần nói thật, chất lượng thật. Và đó sẽ là cách ngành chè của Việt Nam đi ra thế giới”.