“Điểm hẹn” Việt Nam
Giữa năm 2018, CEO của start-up Kỳ lân duy nhất của Việt Nam - VNG là ông Lê Hồng Minh đã tới “thánh địa công nghệ” Silicon Valley (Mỹ). Ông đã có cuộc trò chuyện với hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp đang làm việc tại đây. Ông muốn “khơi ngược chất xám”, mời tinh hoa Silicon Valley người Việt quay về Việt Nam.
Trong khi ông Minh “xuất ngoại cầu hiền tài” thì “cha đẻ” ý tưởng Facebook, cặp song sinh tỷ phú đầu tiên của thế giới Bitcoin là Tyler Winklevoss và Cameron Winklevoss lại bay tới Việt Nam để chia sẻ dự định mở một Silicon Valley thứ hai tại Việt Nam vào tháng 11/2018. “Việc trao đổi ý tưởng một cách nhanh chóng là tiền đề của sự phát triển công nghệ vượt bậc. Từ đó, Silicon Valley Mỹ và ‘Silicon Valley Việt Nam’ sẽ trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược”, hai tỷ phú cho biết.
Ở một diễn biến khác, tháng 8/2018, Tập đoàn Vingroup công bố sẽ xây dựng một Silicon Valley rộng 70 ha tại huyện Đông Anh, Hà Nội. “Khát vọng lớn nhất của chúng tôi là tạo ra hệ sinh thái thuận lợi để nuôi dưỡng các điều kiện khởi nghiệptrong lĩnh vực công nghệ - công nghiệp. Chúng tôi đã nghiên cứu rất rõ mô hình của thung lũng Silicon, cái nôi của các công ty công nghệ Mỹ. Đó là hình mẫu để chúng tôi đầu tư phát triển ‘thành phố khởi nghiệp’ VinTech City”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup nói.
Trước đó, tháng 4/2018, TP.HCM cũng đã khởi động lộ trình cho “Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM” - một “Silicon Valley TP.HCM”, với diện tích 22.000 ha liên kết các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất và 12 trường đại học kết hợp với trung tâm hành chính hiện đại được quản trị bằng chính quyền kiểu mẫu, mọi giao dịch thực hiện bằng điện tử.
Còn tại Hà Nội, sau 20 năm xây dựng, Khu công nghệ cao Hoà Lạc đã có dáng dấp của một “Silicon Valley” quy tụ gần như đầy đủ các “anh hào” công nghệ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đến lập văn phòng, các trung tâm R&D, trường đại học… Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 81 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.174 tỷ đồng trên tổng diện tích 358 ha.
Việt Nam cũng đang hừng hực khí thế khởi nghiệp với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam - Vietnam Silicon Valley (VSV)… Theo Echelon (Singapore), Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp start-up với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Ước tính tại Việt Nam, cứ 58.000 người dân thì có một công ty khởi nghiệp.
Việt Nam được nhìn nhận như một “cái nôi công nghệ”, “trung tâm khởi nghiệp mới” đầy tiềm năng ở khu vực ASEAN và châu Á, với sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc kiến tạo một “Silion Valley Việt Nam”.
Niềm tin và “bóng ma” tâm lý
Silicon Valley Mỹ thành công vang dội là hình mẫu lý tưởng để các quốc gia học tập theo nhiều cách khác nhau và Việt Nam không là ngoại lệ. Đến nay, chưa có bất kỳ quốc gia nào tái lập hoặc sao chép thành công mô hình Silicon Valley. Tuy nhiên, để xây dựng các khu công nghệ như Silicon Valley làm “vườn ươm” cho start-up, hay nói cách khác là “nhân bản Silicon Valley tại Việt Nam” là điều hoàn toàn có thể thực hiện.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tạo mọi điều kiện về chính sách và môi trường để các ý tưởng khởi nghiệp thành công. Chúng ta phải đưa Thánh Gióng vào hiện thực đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 (tháng 11/2018)
“Việt Nam, với một thị trường tiềm năng, kinh tế ngày một phát triển, nhân lực cũng rất tốt, rất có khả năng sẽ hình thành ‘Silicon Valley’. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào thực tế rằng, điều này cực kỳ khó khăn, vì những rào cản lớn do chính chúng ta tạo ra, từ giáo dục, thủ tục hành chính, chính sách... ‘Silicon Valley Việt Nam’ sẽ vẫn mãi là ước mơ rất xa vời nếu các cơ quan quản lý không quyết tâm và quyết liệt trong việc cải cách chính sách, pháp luật”, ông Nguyễn Vĩ, CEO Tugo nhận xét.
Nguyễn Khôi, CEO WeFit tin rằng, Việt Nam có đầy đủ các tính chất để có thể trở thành một trung tâm về khởi nghiệp lớn ở ASEAN. Việt Nam là một trong những quốc gia đông dân, có thị trường lớn và đang tăng trưởng nhanh. Người Việt Nam có chí tiến thủ, có khả năng học tập và sáng tạo tốt. Đặc biệt, Việt Nam có những kỹ sư công nghệ thuộc hàng top đầu ở khu vực.
“Tất nhiên, để có thể hình thành mô hình giống Sillicon Valley không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng, mà quan trọng là cách chúng ta xây dựng hệ sinh thái, để tất cả những ưu điểm đó kết hợp được với nhau. Với tôi, điểm này thực ra chúng ta làm chưa tốt và sẽ còn cần nhiều thay đổi”, Nguyễn Khôi bình luận.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các chính sách thành lập start-up nhanh, chi phí 0 đồng, ưu đãi về thuế, vay vốn giá rẻ… của Việt Nam vẫn chưa thể bằng một số nước. Đó chính là lý do hồi năm 2016-2017, cùng với phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam, đã manh nha xuất hiện hiện tượng di chuyển “khai sinh” doanh nghiệp ở Mỹ, Singapore. “Phần lớn các quỹ ngoại đều yêu cầu thành lập công ty ở Singapore để dễ đầu tư và không vướng các thủ tục pháp lý”, Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập TopCV tiết lộ.
Câu chuyện YourTV vẫn còn nóng hổi. 3 năm trước, start-up này đã hoàn thành việc thử nghiệm và bắt đầu xin giấy phép kinh doanh mạng xã hội tại Việt Nam. Để được phép bán sản phẩm, YourTV phải xin giấy phép dịch vụ truyền hình trả tiền từ Bộ Thông tin và Truyền thông, giấy phép thành lập sàn thương mại điện tử từ Bộ Công thương và cam kết đặt máy chủ ở Việt Nam.
“Đến nay, sản phẩm đã hoàn thiện, thử nghiệm thành công, nhưng chúng tôi chưa dám đưa ra thị trường, vì cả 3 giấy phép đều chưa được cấp. Với tình trạng ‘nộp hồ sơ và chờ đợi’ hiện nay, nếu ít lâu nữa vẫn không có giấy phép, YourTV sẽ tìm đường sang Singapore để lập doanh nghiệp”, ông Hán Hữu Hải, nhà sáng lập, kiêm CEO YourTV ngậm ngùi.
Đừng làm Neverland
Theo ông Lữ Thành Long, Chủ tịch MISA, các chính sách luật pháp của Việt Nam còn phức tạp và nhiều ràng buộc, hạn chế các bạn trẻ sáng tạo cái mới hoặc loại hình kinh doanh mới trong xã hội. Vì vậy, thách thức là chính quyền liệu có thay đổi để thúc đẩy sự sáng tạo khoa học công nghệ.
“Thị trường trong nước, đặc biệt là ‘thị trường nhà nước’ là bàn đạp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, Nhà nước đang đóng cánh cửa với các doanh nghiệp nhỏ khi chỉ cho phép một số nhỏ các doanh nghiệp nhà nước được tham gia thực hiện giải pháp. Đó là một trong những cản trở lớn nhất hiện nay để Việt Nam có thể trở thành Silicon Valley của Đông Nam Á”, ông Long nhận xét.
Các start-up cho biết, nỗi sợ lớn nhất của họ chính là “ma trận” giấy phép và thủ tục hành chính. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp mới chỉ ở giai đoạn khởi động, chưa đi vào thực chất và đáp ứng được nhu cầu của các start-up.
“So với trước đây, rõ ràng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng điều đó đã thực sự đến được đúng doanh nghiệp khởi nghiệp hay chưa thì tôi nghĩ cần thêm thời gian”, ông Phan Bá Mạnh, CEO An Vui nhận xét.
Nhưng ông Mạnh tin rằng, trong tương lai không xa, thực trạng trên sẽ được cải thiện, bởi sau một thời gian hô hào và bắt tay vào hành động, những người làm chính sách và những doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng đã nhìn ra những điểm chưa phù hợp...
Ông Trần Trung Hiếu khuyến nghị, Chính phủ cần nhanh chóng mở cửa, tạo điều kiện tối đa về môi trường đầu tư, giảm bớt các thủ tục phức tạp cho start-up, để thu hút vốn nhanh hơn. Ngoài ra, trong thời gian đầu hoạt động, có thể hỗ trợ giảm bớt các thủ tục hành chính, để start-up có thời gian tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ và đi nhanh hơn.
Theo ông Trần Nguyễn Lê Văn, CEO Vexere.com, hiện một vòng gọi vốn mất từ 6 tháng đến 1 năm, với nhiều thủ tục để giải ngân nguồn vốn. Trong thời gian chờ đợi, start-up phải vay mượn để tồn tại cho đến lúc nhận được tiền của nhà đầu tư.
“Tôi cho rằng, việc đầu tư vào Việt Nam sẽ càng mạnh hơn nữa nếu các chính sách của Chính phủ được cởi trói hơn nữa và đặc biệt là tối giản công đoạn về thủ tục giấy tờ, vì đối với start-up, thời gian chính là tài sản. Việc xin một tờ giấy chậm 1 tháng là đã khác rất nhiều đối với số phận của một start-up”, ông Văn nhận xét.
Việt Nam đang ở thời điểm không thiếu vốn cho start-up khi hàng loạt quỹ ngoại, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẵn sàng đổ tiền cho các start-up ngay từ khi còn trứng nước. Vấn đề là chúng ta cần một môi trường đầu tư mà ở đó những bóng ma, những nỗi ám ảnh như đánh thuế Flappy Bird không còn tồn tại.
Như vậy, ngoài xây dựng “phần cứng” là các khu công nghệ cao tập trung với hạ tầng cơ sở đủ đầy, các trung tâm, vườn ươm khởi nghiệp, các quỹ đầu tư “bơm vốn” liên tục…, muốn hình thành một “Silicon Valley”, điều kiện đủ là cần xây dựng một “Silicon Valley chính sách” chưa từng có tiền lệ, cởi bỏ tất cả vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính.
Nhà văn J. M Barrie đã xây dựng xứ sở thần tiên Neverland, nơi cậu bé Peter Pan chưa bao giờ lớn, để níu giữ những khoảnh khắc mộng mơ tuổi thơ không bao giờ có thực. Nếu ôm mộng xây dựng “Silicon Valley” mà chỉ chú trọng xây dựng phần cứng, rất có thể, chúng ta chỉ mãi là Neverland mà không thể có được một “Silicon Valley” đích thực...
Công nghệ sẽ giúp Việt Nam hóa Rồng
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ sẽ đi ra toàn cầu.
“Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là ngay chính trong công việc hàng ngày của mỗi chúng ta và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết chính bài toán của mình. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ sẽ giúp Việt Nam hóa Rồng, hóa Hổ”, ông Hùng nói.