Tuy nhiên, vấn đề khai thác không gian ngầm không thể thực hiện tùy tiện, mà cần có quy hoạch, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng tầm nhìn xa.
Xu hướng của thế giới
Kinh nghiệm từ các nước phát triển trên thế giới cho thấy, khi đô thị tăng trưởng đến ngưỡng nhất định thì sức tải (dung lượng) hiện hữu của một số khu vực, trước tiên là khu trung tâm sẽ đạt tới mức độ tới hạn, khiến sự vận hành của đô thị bị tắc nghẽn. Để tăng thêm sức tải cho khu vực đó, nhất là khi cần tạo đủ không gian thoáng trên mặt đất cho loại hình đô thị nén (compact city) có mật độ xây dựng rất cao, nhiều thành phố trên thế giới đã phát triển đô thị phía dưới mặt đất.
Một không gian huyết mạch thứ hai nằm toàn bộ dưới lòng đất sẽ trả lại không gian mặt bằng cây xanh, công viên, giảm thiểu sự bí bách của đô thị. Chưa kể, hệ thống giao thông ngầm còn giúp giải quyết tình trạng ách tắc giao thông trên mặt đất.
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội, khái niệm không gian ngầm của đô thị không chỉ là hệ thống đường dây, đường ống, các tuyến đường tàu điện ngầm, bãi để xe, hầm đường ô tô, đường bộ, mà còn có thể là những tổ hợp trung tâm thương mại, sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí, những công trình đa chức năng, thậm chí hướng tới là nơi làm việc, nơi ở cho dân cư đô thị.
Tuy nhiên, không gian ngầm và trên mặt đất phải có sự kết nối đồng bộ với nhau để tạo ra lợi ích, như tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng mặt đất, giải quyết được vấn đề mật độ tập trung quá cao tại các khu trung tâm; nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, thực hiện phân lớp giao thông dễ dàng; giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa cho đô thị; tăng diện tích các khu vực xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện sinh thái đô thị.
Tại các quốc gia trên thế giới, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm gần như hình thành song song với việc phát triển các tuyến metro ngầm, nhờ đó nó tạo nên những thay đổi lớn cho đô thị của các quốc gia.
Chẳng hạn, TP. Montreal (Canada) có đô thị ngầm RESO. Với hệ thống đường ngầm dài 32 km, diện tích tương đương 41 dãy phố, RESO kết nối khoảng 80% khu văn phòng và 35% khu thương mại ở trung TP. Montreal.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng có mạng lưới đô thị ngầm hiện đại như Crysta Nagahori ở TP. Osaka với tổng diện tích hơn 81.000 m2, trải dài qua quận Umeda, Namba và Shinsaibashi. Đô thị ngầm này đã thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của hệ thống bán lẻ. Chỉ riêng quận Umeda có hơn 1.200 cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, các ga tàu điện ngầm.
Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cũng đã chú ý đến việc phát triển không gian ngầm. Trong đó, tại Hà Nội đã có không ít công trình ngầm được triển khai như hệ thống cống ngầm, hệ thống cấp thoát nước ngầm, đường dây cáp điện ngầm, bãi đỗ xe ngầm, hay các trung tâm thương mại ngầm với quy mô lớn như Royal City, Vincom Mega Mall Times City, Vincom Plaza… Tuy nhiên, các không gian ngầm này hầu hết mới mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng, chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị.
Do không có kết nối và thiếu tầm nhìn dài hạn, nhiều công trình ngầm tại Hà Nội không phát huy tác dụng, thậm chí còn gây tâm lý ác cảm với người dân, điển hình là các hầm cho người đi bộ sang đường. Mặc dù được đầu tư hàng triệu USD để giúp người dân qua đường an toàn, nhưng thực tế, hiệu quả mang lại của hệ thống này gần như số "0" khi rất ít người qua lại.
Hầm đi bộ qua đường tại Hà Nội rất ít được sử dụng, gây lãng phí lớn.
Hay việc hình thành các trung tâm thương mại dưới lòng đất là mô hình khai thác không gian ngầm có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận, nhưng với việc thiếu quy hoạch tổng thể và số lượng còn ít, khiến các trung tâm thương mại ngầm này thu hút quá đông người sử dụng dịch vụ, càng làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực xung quanh. Sâu xa hơn nữa, việc xây dựng không gian ngầm đơn lẻ, thiếu tầm nhìn dài hạn, dẫn đến nguy cơ tài nguyên đất ngầm bị sử dụng lãng phí.
Kỳ vọng gì về không gian ngầm của Hà Nội?
Đầu năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo “đề bài” của UBND Thành phố, việc quy hoạch không gian ngầm phải đảm bảo sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; kết nối tương thích và đồng bộ các công trình ngầm và giữa công trình ngầm với các công trình trên mặt đất; đồng thời đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, an toàn các công trình ngầm và phần ngầm của các công trình trên mặt đất.
Nội dung của đồ án quy hoạch sẽ bao gồm phân tích, đánh giá tình hình hiện trạng không gian xây dựng ngầm đô thị; đánh giá các điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thủy văn, khoanh vùng, xác định các khu vực chịu ảnh hưởng nước ngầm, sụt lún và các yếu tố thiên tai khác...
Cùng với đó, các yêu cầu đặt ra là điều tra, phân loại, đánh giá về hiện trạng xây dựng các công trình trên mặt đất và công trình ngầm đô thị; đánh giá về công tác quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, những tồn tại và các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. Từ đó có những đánh giá tổng hợp, so sánh, đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế để rút ra bài học có thể áp dụng vào thực tiễn.
Quy hoạch cũng sẽ xác định các khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm, phân loại cụ thể các hình thức khai thác không gian xây dựng ngầm, đề xuất các tiêu chí lựa chọn đất đai, các điều kiện khống chế. Trong đó, xác định hệ thống giao thông ngầm bao gồm hướng tuyến, vị trí và quy mô các tuyến đường sắt đô thị; vị trí, quy mô hầm đường bộ và khu vực dự kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm.
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, quy hoạch không gian ngầm là bước đi cần thiết đầu tiên cần xác lập sau quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt.
"Chúng ta đã đặt vấn đề và có kế hoạch lập quy hoạch không gian ngầm Hà Nội, song đây là loại hình quy hoạch mới, liên quan đến đa ngành chịu tác động của không gian trên mặt đất và mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Do vậy, cần có những phương án có bước đi thích hợp, lựa chọn bài học kinh nghiệm của nước ngoài và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại", ông Nghiêm cho biết.
Cũng theo ông Nghiêm, cùng với lập quy hoạch không gian ngầm, cũng phải nghiên cứu để đề xuất cụ thể các cơ chế chính sách liên quan như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh, chính sách hỗ trợ, ưu đãi một số loại không gian ngầm để khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư xây dựng không gian ngầm cấp bách như bãi đỗ xe ngầm, công trình đầu mối kỹ thuật ngầm hào kỹ thuật ngầm...
Ngoài ra, cũng cần xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách về không gian ngầm là tạo nguồn lực để quy hoạch không gian ngầm có tính thực tiễn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com