Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, lạm phát ở Canada trong tháng 7/2022 đã chững lại, trong bối cảnh giá xăng giảm, nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng với tốc độ mạnh hơn, cho thấy áp lực về chi phí sinh hoạt vẫn đe dọa ngân sách các hộ gia đình.
Cơ quan Thống kê Canada cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Bảy đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức 8,1% trong tháng Sáu, mức lạm phát cao nhất trong gần 40 năm.
Giá xăng, mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng đã giảm 9,2% trong tháng Bảy (so với tháng Sáu), nhân tố đóng góp lớn nhất vào việc giảm lạm phát toàn phần.
Tuy nhiên, các con số thống kê khác lại ít khả quan hơn, chẳng hạn như hàng tạp hóa tăng với tốc độ hàng năm là 9,9% trong tháng Bảy, với mức 9,4% trong tháng Sáu.
Theo Leslie Preston, Giám đốc điều hành tại TD Economics, lạm phát toàn phần đang đi đúng hướng khi giá năng lượng giảm xuống.
Nhưng lạm phát cơ bản (không tính chi phí thực phẩm và năng lượng) không hạ nhiệt nhiều, cho thấy Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) cần tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế áp lực lạm phát.
Tương tự như Canada, Mỹ đã báo cáo tốc độ lạm phát chậm hơn vào tuần trước, với tỷ lệ hàng năm giảm xuống 8,5% vào tháng Bảy, từ 9,1% trong tháng Bảy.
Ngoài xăng, một số mặt hàng chủ chốt - bao gồm lúa mỳ và gỗ xẻ - đã giảm trong mùa Hè này.
BOC hồi tháng Bảy dự báo rằng lạm phát sẽ không trở lại mục tiêu 2% cho đến cuối năm 2024.
Các nhà phân tích tài chính dự kiến BOC sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất quy mô lớn nữa vào tháng Chín, có thể là 0,5 hoặc 0,75 điểm %. Lãi suất chủ chốt của BOC hiện ở mức 2,5%, cao nhất kể từ năm 2008.
Trong một phát biểu ngày 16/8, Thống đốc Tiff Macklem bóng gió rằng chiến dịch tăng lãi suất của ngân hàng trung ương còn lâu mới kết thúc. “Chúng tôi biết công việc của mình vẫn chưa hoàn thành, cho đến khi lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%."
Các ngân hàng trung ương đang cố gắng thiết kế kịch bản "hạ cánh mềm", trong đó các ngân hàng tăng lãi suất để làm chậm nhu cầu và kiềm chế lạm phát, nhưng không đưa nền kinh tế vào suy thoái.
Theo ông Macklem, “con đường dẫn đến hạ cánh mềm đã thu hẹp” vì lạm phát cao kéo dài “đòi hỏi hành động mạnh mẽ hơn ngay bây giờ” thông qua các đợt tăng lãi suất lớn.
Tăng trưởng kinh tế của Canada đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây, trong khi hoạt động trên thị trường nhà đất của quốc gia này đã sụt giảm trong bối cảnh lãi suất vay cao hơn.
Các nhà kinh tế cho biết nguy cơ suy thoái đang gia tăng, mặc dù Royal Bank of Canada cho đến nay là ngân hàng lớn duy nhất dự đoán kinh tế Canada suy thoái vào năm tới.
Pedro Antunes, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức nghiên cứu-phân tích các xu hướng kinh tế Conference Board of Canada cho biết Canada có thể tránh được suy thoái một phần nhờ thị trường lao động vẫn đang ở trạng thái đặc biệt tốt.
Lượng việc làm của Canada giảm trong tháng Sáu và tháng Bảy, nhưng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong lịch sử là 4,9% và khoảng một triệu vị trí việc làm đang trống, điều đó cho thấy các nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc thuê đủ lao động.
Jean-Paul Lam, Giáo sư kinh tế tại Đại học Waterloo, cho biết còn quá sớm để nói rằng lạm phát đã đạt đỉnh, khi nền kinh tế bị chi phối bởi một loạt các yếu tố quốc tế như hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine, cách ứng phó với dịch COVID-19 của Trung Quốc và các vấn đề kéo dài trong chuỗi cung ứng.