Tăng trưởng đột phá trong 9 tháng đầu năm
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của Masan Resources, công ty mẹ của Mỏ Núi Pháo là 3.928 tỷ đồng, tăng 39,9% so với 2.802 tỷ đồng trong năm 2015. Mức tăng doanh thu này đến từ doanh số của các dòng sản phẩm florit, đồng và bismith tăng mạnh. Việc giá vonfram tăng lên đỉnh điểm vào tháng 9 và sản lượng vonfram dự kiến sẽ cao hơn trong những tháng tới khiến Công ty tin tưởng sẽ đạt được kết quả ấn tượng hơn trong quý IV/2017.
Lợi nhuận EBITDA tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 1.396 tỷ đồng lên 1.966 tỷ đồng. Các sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu suất được áp dụng đã giúp thời gian chạy máy và lượng cấp liệu máy nghiền cao hơn mức thiết kế. Các sáng kiến cải tiến kiểm soát chi phí thực hiện từ đầu năm cũng giúp Công ty gia tăng sản xuất mà không phải tăng quy mô chi phí.
Masan Resources ghi nhận khoản lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông trong 9 tháng 2017 đạt 98 tỷ đồng, mặc dù sản lượng giảm do hàm lượng quặng cấp liệu vonfram khai thác được thấp hơn trong quý III/2017. Nếu không tính gói hỗ trợ tài chính một lần từ cổ đông chi phối trị giá 185 tỷ đồng thì lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng 177 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý IV/2017 và sắp tới, việc nâng cấp công trình vận hành sản xuất này (cùng với việc giữ ổn định các chỉ số khả biến khác) sẽ giúp biên lợi nhuận EBITDA của Công ty tăng thêm khoảng 5%.
Cơ hội trám chỗ Trung Quốc trên thị trường vonfram
Sức hấp dẫn của dòng sản phẩm vonfram trung và cao cấp của Trung Quốc đến nay đã giảm cả về lượng và chất. Có một số khách hàng đã chuyển đến 30 - 40% đơn hàng mua vonfram từ Trung Quốc sang Việt Nam. Năm ngoái, xuất khẩu sản phẩm vonfram trung cấp của Trung Quốc sụt giảm tới 9%.
Việc Trung Quốc thực hiện chính sách tăng cường giám sát môi trường trong những tháng gần đây, cùng với nguồn cầu tăng trở lại từ ngành dầu khí đã khiến giá vonfram tăng vọt lên 310 USD/mtu trong suốt quý III/2017, trước khi trở lại mức giá ổn định 290 USD/mtu vào cuối quý III. Mức tăng này cao hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên môn và dự kiến sẽ giữ vững ở mức cao từ nay đến ít nhất là cuối năm 2017.
Đây là cơ hội cho Masan Resources khi lợi thế độc quyền kiểm soát thị trường vonfram thế giới có vẻ như đang tuột dần khỏi Trung Quốc, kể từ khi mỏ Núi Pháo của Việt Nam tham gia thị trường vonfram thế giới gần 10 năm trước.
Trên thực tế, mỏ Núi Pháo của Việt Nam đang góp phần quan trọng giúp giảm bớt sức ép nguồn cung từ Trung Quốc. Ông Craig Bradshaw, Tổng giám đốc Masan Resources, cho biết, Nhà máy đã đạt tới 95% công suất thiết kế, 90% sản lượng là do H.C. Starck bao tiêu ra toàn cầu bằng các hợp đồng bán hàng dài hạn, có những hợp đồng chiến lược tới tám năm.
Trên cơ sở quy đổi tương đương vonfram, sản lượng vonfram 9 tháng đầu năm 2017 của Masan Resources đã tăng 11,5% từ 4.248 tấn lến 4.737 tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng vonfram và bismut đã tăng lần lượt là 24% và 51% so với năm 2015. Hơn nữa, việc gia tăng lượng quặng được chế biến, tăng tỷ lệ thu hồi và các thông số quan trọng khác của nhà máy là thành quả trực tiếp đạt được từ các dự án đầu tư có định hướng đã được thực hiện trong cả năm 2016.
Với trữ lượng khoảng 83 triệu tấn, vòng đời ước tính là 20 năm, Masan Resources có thể được hưởng lợi từ xu thế này để tăng thị phần của thị trường ngoài Trung Quốc lên 40% trong năm 2017, trở thành nhà cung cấp lớn khoáng sản công nghiệp trọng điểm, gồm vonfram, florit và bismuth.
Đôi nét về mỏ đa kim Núi Pháo
Masan Resources sở hữu Mỏ Núi Pháo, một khu mỏ lộ thiên nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có các trữ lượng khoáng sản vonfram, florit, bismut và đồng. Vonfram là nguyên tố thiết yếu được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng như động cơ tên lửa, máy bay, ô tô, máy tính, điện thoại di động và quốc phòng.
Tháng 3/2014, mẻ vonfram và đồng đầu tiên của Mỏ Núi Pháo xuất xưởng. Việc dự án Núi Pháo đi vào vận hành là một cột mốc quan trọng có ý nghĩa quốc tế vì Núi Pháo là mỏ vonfram mới đầu tiên trên thế giới chính thức đi vào hoạt động trong vòng 15 năm qua.
Masan Resources là nhà khai thác và chế biến khoáng sản vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc và là một trong những nhà máy xử lý và chế biến vonfram có chi phí sản xuất thấp nhấp thế giới.
Masan Resources đang ở trong những giai đoạn cuối cùng để đưa ra giải pháp nhằm thương mại hoá lượng vàng chứa trong thân quặng và dự kiến năm 2018 có thể sản xuất thương mại vàng. Đây sẽ là kim loại thứ 5 đóng góp vào doanh thu của mỏ Núi Pháo.
Trong 6 tháng tới, việc nâng cấp công trình vận hành sản xuất đối với dây chuyền vonfram dự kiến sẽ hoàn thành và sẽ làm gia tăng tỷ lệ thu hồi vonfram lên mức cao nhất theo tiêu chuẩn thế giới đối với mỏ vonfram - đa kim.