Giá vàng - kỷ lục không mệt mỏi
Thời gian gần đây, những thông tin về việc giá vàng liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới đã trở nên quen thuộc. Nhiều người tự hỏi, không biết đến bao giờ vàng mới "nghỉ ngơi" sau nhiều năm phá vỡ các loại kỷ lục do chính nó lập nên.
Suốt hơn 10 năm qua, vàng đã liên tục tăng giá bắt đầu từ năm 1999 ở mức thấp 251 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng thật sự "khởi động" chu kỳ tăng giá 10 năm của mình từ năm 2001 (bắt đầu từ 253 USD/ounce) sau hàng loạt scandal tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ. Tiêu biểu là 3 sự kiện: ngày 11/9/2001, Tòa tháp đôi WTC bị khủng bố; khủng hoảng công nghệ "dot com" khi hàng loạt công ty sụp đổ bởi các NĐT đổ xô bán ra cổ phiếu do họ nhận ra những cổ phiếu này đã tăng giá quá nóng vượt qua giá trị thật; vụ scandal của Tập đoàn Enron do kiểm toán gian lận làm đổ vỡ niềm tin của NĐT.
Hàng loạt sự kiện trên đã làm thị trường tài chính Mỹ cùng các thị trường lớn khác trên thế giới chao đảo, giới đầu tư mất niềm tin, kinh tế thế giới rơi vào nguy hiểm. Điều này đã bắt buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải hành động khi liên tục hạ lãi suất, các ngân hàng cũng hạ các tiêu chuẩn cho vay để kích cầu (sau này giới chuyên môn cho rằng, khủng hoảng và suy thoái kinh tế giai đoạn từ năm 2007 cho đến nay bắt nguồn từ cho vay nợ dưới chuẩn tại Mỹ). Giá vàng nhân cơ hội này cũng bắt đầu "lên tiếng"...
Kỷ lục giá vàng từ trước đến nay hiện đang ở mức 1.388 USD/ounce thiết lập vào ngày 14/10/2010 và tại Việt Nam, với sự "hỗ trợ" của giá thế giới, giá vàng trong tháng 10 này cũng đang ở mức cao nhất mọi thời đại khi các đơn vị kinh doanh vàng đã có lúc công bố giá vàng đạt xấp xỉ 33,5 triệu đồng/lượng.
Vàng - vịnh tránh bão
Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, chống lại khủng hoảng, lạm phát, sự mất giá của tiền tệ, là "vịnh tránh bão" cho dòng tiền làm nơi trú ẩn. Vì thế, khi mà khủng hoảng, suy thoái, lạm phát... vẫn còn phủ một bóng đen lớn trên nền kinh tế toàn cầu thì giá vàng vẫn còn nhận được sự hỗ trợ tăng giá.
Bên cạnh đó, một trong các yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến giá vàng chính là đồng USD liên tục suy yếu suốt trong 10 năm nay. Chỉ số USD Index/USDX từ mức 120 điểm vào năm 2001 (cùng thời kỳ giá vàng đạt mức thấp trong 30 năm) chỉ còn 77 điểm vào tháng 10/2010. Đây là thời kỳ mà FED liên tục hạ lãi suất từ mức 5% xuống mức siêu thấp 0,25% để kích cầu tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất mà FED đã làm được không phải là đưa nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mà chính là đưa giá vàng đi vào lịch sử. Bởi vì USD chính là đồng tiền được sử dụng để định giá vàng trên thị trường thế giới và đồng tiền này cũng được sử dụng trong thanh toán thương mại đứng đầu thế giới. Việc USD liên tục hạ giá làm giá trị của vàng cùng các loại hàng hóa khác được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn, kích thích giới đầu tư mua vào.
Cùng với các yếu tố trên, việc các NHTW lớn trên thế giới tăng cường mua vàng để mở rộng kho dự trữ ngoại hối của họ và quan trọng là việc các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục duy trì lãi suất đồng tiền của mình ở mức thấp (đặc biệt là Mỹ) làm cho giới đầu tư thấy rằng tiền càng ngày càng mất giá, dẫn đến việc họ đổ xô vào vàng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Như vậy, việc dòng tiền chảy mạnh vào vàng sẽ hạn chế dòng tiền chảy vào nền kinh tế hay vào các kênh đầu tư mạo hiểm như chứng khoán hay bất động sản, làm các thị trường này khó mà tăng trưởng được.
Như vậy, phải chăng vàng sẽ không có cơ hội sụt giảm?
Tiếng nói của lịch sử
Nhìn lại lịch sử cho thấy, một khi giá vàng tăng quá nóng vượt ra khỏi các yếu tố hỗ trợ thông thường thì khi điều chỉnh, mức điều chỉnh cũng sẽ làm "bàng hoàng" không kém lúc nó tăng giá.
Năm 1980, giá vàng đạt mốc 850 USD/ounce sau khi gia tăng từ mức 35 USD/ounce năm 1970. Sau đó, giá vàng liên tục đi xuống trong suốt 20 năm và chỉ đi lên mạnh mẽ trở lại khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ cộng với nguy cơ suy thoái kép lan rộng.
Trong hơn 20 năm giảm giá của vàng đã làm cho nhiều nhà đầu tư phải chịu đựng thua lỗ rất lớn mà cho đến tận ngày hôm nay vẫn chưa thể "hòa vốn". Bởi vì, mặc dù giá vàng năm 1980 ở mức cao nhất chỉ là 850 USD/ounce nhưng theo tính toán thì mức này tương ứng với khoảng 3.500 USD/ounce vào năm 2010.
Gần đây nhất là năm 2008 khi giá vàng đạt "đỉnh" 1.030 USD/ounce ngày 17/3/2008 và đã đảo chiều rất mạnh xuống còn 680 USD/ounce vào tháng 10 cùng năm. Ở cả 2 thời điểm này, vàng đã tăng vượt ra khỏi yếu tố hỗ trợ thông thường khi các hoạt động đầu cơ gia tăng quá mức.
Giá vàng hiện nay đã đạt đỉnh của chu kỳ 30 năm (đỉnh của chu kỳ trước đó là năm 1980). Nếu lịch sử quay trở lại và lên tiếng thì giá vàng hiện đang ở trong giai đoạn cao nhất trong lịch sử của nó và có thể rớt mạnh bất cứ lúc nào.
Kịch bản nào cho kỷ lục của giá vàng
Việc giá vàng tăng quá nhanh và đứng ở mức cao sẽ làm kinh tế khó mà tăng trưởng do giá cả các loại hàng hóa cao sẽ dẫn đến lạm phát, trong khi nền kinh tế vẫn đang suy thoái. Đây là nguy cơ mà không quốc gia nào mong muốn.
Việc kinh tế thế giới vẫn có nhiều khó khăn nhưng đã có mức tăng trưởng (cho dù chậm chạp) là một tín hiệu đáng mừng. Bởi thế, đã có một số quốc gia lớn bắt đầu tăng lãi suất trở lại như Úc và Canada. Thậm chí, NHTW Úc trong bản báo cáo mới đây cho biết tình hình hệ thống ngân hàng và các hộ gia đình nước này rất ổn định, điều này đồng nghĩa với việc các điều kiện tài chính không còn là rào cản để NHTW nước này nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong tương lai.
Trong một bài phát biểu gần đây, ngài Ben Bernanke, Chủ tịch FED cũng cho biết, mặc dù FED vẫn duy trì lãi suất đồng USD ở mức thấp cùng với chính sách "nới lỏng có định lượng", nhưng trong thời gian tới, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn thì FED ngoài việc tăng lãi suất trở lại sẽ áp dụng thêm các biện pháp khác để "hút" bớt tiền trong lưu thông. Khi đó, điều này sẽ làm giảm nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận an toàn từ vàng và sẽ đưa giá vàng về mức hợp lý hơn. Ngoài ra, việc các quỹ đầu tư vàng có xu hướng bán mạnh vàng ra trong tháng 10 (như SPDR Gold Trust đã bán hàng chục tấn) cho thấy, họ cũng tin rằng giá vàng đang ở mức cao nhất của nó.
Như vậy, trong ngắn hạn, các yếu tố hỗ trợ sẽ khó làm vàng giảm giá sâu, nhưng trong dài hạn khi kinh tế thế giới tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế cộng với yếu tố lịch sử luôn có giá trị sẽ làm giá vàng trở nên "dễ chịu" hơn.
Biểu đồ lãi suất của FED, BoE và ECB từ năm 2006 đến nay |