Tại thị trường trong nước, giá vàng được điều chỉnh tăng nhẹ sau khi bị điều chỉnh giảm trong ngày hôm qua.
Vàng SJC lúc đầu ngày mua vào - bán ra ở 32,98 - 33,23 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh tăng thêm 10.000 đồng/lượng mỗi chiều, mua vào - bán ra ở 32,99 - 33,24 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc đầu ngày mua vào - bán ra ở 30,22 - 30,67 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng mỗi chiều so với ngày hôm qua. Mức giá này được giữ nguyên cho tới cuối ngày.
Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở 22.450 - 22.520 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 20 đồng mỗi chiều so với ngày hôm qua.
Trên thị trường tự do, USD hiện giao dịch ở 22.600 - 22.620 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với ngày hôm qua.
Trong phiên giao dịch trên thị trường châu Á hôm nay, giá vàng tuy có nhiều biến động nhưng biên độ không lớn.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.074,60 USD/ounce, giá vàng có xu hướng tăng nhẹ nửa đầu phiên và đi ngang quanh ngưỡng 1.076,40 USD/ounce nửa cuối phiên. Về cuối phiên, giá vàng đóng cửa ở 1.076,80 USD/ounce, tăng nhẹ so với giá mở cửa.
Trên sàn New York, giá vàng mở cửa ở 1.069,10 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá vàng tăng nhẹ lên mức đỉnh 1.075 USD/ounce, tăng 5,9 USD/ounce so với giá mở cửa. Về cuối phiên, giá vàng giảm nhẹ, đóng cửa ở 1.074,60 USD/ounce, tăng 3,4 USD/ounce so với giá mở cửa.
Giá vàng giao sau tháng 2 trên sàn Comex giảm 0,3 USD/ounce, đóng cửa ở 1.074,8 USD/ounce.
Giá vàng trên thị trường chịu tác động bởi 2 yếu tố chính là giá dầu và sức mạnh của đồng USD. Giá dầu trên thị trường duy trì giao dịch quanh ngưỡng thấp nhất 7 năm sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không giảm sản lượng, thậm chí còn hủy bỏ luôn mức trần sản lượng được áp dụng trong 18 tháng qua.
Đà giảm của giá dầu đã tác động khá tiêu cực tới giá vàng, bên cạnh việc đồng USD vẫn duy trì sức mạnh nhờ kỳ vọng nâng lãi suất trong cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FeD).
Tình hình kinh tế châu Âu vẫn chưa thực sự tích cực
Một số thông tin kinh tế tích cực được công bố cũng tạo áp lực cho vàng. Theo đó, trong quý III, GDP của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro tăng 0,3% so với quý trước đó và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các con số này trùng với dự báo trước đó của các chuyên gia nhưng không có tác động quá mạnh bởi tình hình kinh tế châu Âu vẫn chưa thực sự tích cực.
Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra quyết định kéo dài thời gian áp dụng chương trình nới lỏng tiền tệ hiện tại tới đầu năm 2017, tuy nhiên thị trường vẫn trông chờ thêm các chính sách kích thích kinh tế khác từ châu Âu.