Theo quyết định này, từ ngày 28/9, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.
Nói về lý do giảm lãi suất tiền gửi USD, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, dù có những biến động, nhưng thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước về cơ bản ổn định, tuy nhiên, một bộ phận tổ chức, cá nhân có biển hiện găm giữ ngoại tệ. Giải pháp này phù hợp với phương châm điều hành, đồng thời góp phần nâng cao sức hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng đô la hóa.
Còn theo nhận định các chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng, quyết định này của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến đồng USD giảm tính hấp dẫn của việc dự trữ ngoại tệ. Người dân và doanh nghiệp sẽ chuyển ngoại tệ nắm giữ, nhưng khó có chuyện ồ ạt bán USD đổi ra tiền đồng.
Với động thái của Ngân hàng Nhà nước, nhiều người dự đoán, tỷ giá USD giảm mạnh, tuy nhiên, điều này chỉ đúng trên thị trường tự do.
Trên thị trường tự do, ngay sau khi quyết định của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, tỷ giá USD đã giảm từ 10 – 20 đồng/USD trong ngày 28/9 và tiếp tục giảm thêm 50 đồng/USD ở chiều mua vào và 60 đồng/USD ở chiều bán ra trong ngày hôm qua (29/9), xuống 22.500 - 22.520 đồng/USD.
Trong khi đó, trên thị trường ngân hàng, tỷ giá USD lại khá bình thản, thậm chí là có chiều hướng tăng nhẹ. Cụ thể, trong ngày 28/9, tỷ giá USD do Vietcombank niêm yết vẫn giữ nguyên ở mức 22.445 - 22.505 đồng/USD như cuối tuần trước và trong ngày hôm qua, đồng bạc xanh thậm chí còn tăng nhẹ 5 đồng/USD ở cả 2 chiều, lên 22.450 - 22.510 đồng/USD.
Với các ngoại tệ khác, trong 2 ngày đầu tuần, số tăng và giảm so với VND khá cân bằng. Ở chiều tăng, đồng CHF và EUR tăng mạnh nhất với 1,24% và 1,11%. Ở chiều ngược lại, đồng THB giảm mạnh nhất, nhưng cũng chỉ giảm 0,47%.
Trên thị trường vàng, đà giảm của giá vàng thế giới, cùng với tỷ giá USD trong nước đã khiến giá vàng SJC giảm 3 ngày liên tiếp kể từ cuối tuần trước, đặc biệt là trong 2 ngày đầu tuần và chia tay hẳn với mốc 34 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, trong ngày 28/9, giá vàng SJC giảm 140.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 170.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, xuống 33,76 - 33,98 triệu đồng/lượng. Trong ngày hôm qua, giá vàng SJC tiếp tục giảm thêm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, xuống 33,66 - 33,88 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng quốc tế, bất chấp hoạt động bán tháo xảy ra trên thị trường chứng khoán, nhưng vai trò trú ẩn của vàng hoàn toàn bị lu mờ trước những lo lắng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 10 tới sau dữ liệu chi tiêu tiêu dung của Mỹ trong tháng 8 tăng hơn dự kiến.
Cả Chủ tịch Fed New York, William Dudley và Chủ tịch Fed San Francisco, John Williams đều ủng hộ cho việc tăng lãi suất trong năm nay khi nói rằng, hy vọng lạm phát sẽ hướng đến mục tiêu 2% của Fed, trong khi đó, Charles Evans, người đứng đầu Fed Chicago lại có thái độ ôn hòa hơn khi cho rằng, lãi suất gần 0% sẽ được duy trì cho đến giữ năm 2016.
Ngoài ra, thận trọng trước các báo cáo kinh tế quan trọng như lạm phát khu vực đồng euro được công bố hôm thứ Tư, PMI ngành công nghiệp và dịch vụ của Trung Quốc vào thứ Năm và số liệu việc làm của Mỹ vào ngày thứ Sáu khiến giới đầu tư không dám mạo hiểm.
Cụ thể, kết thúc phiên 28/9, giá vàng giao ngay giảm 14,2 USD (-1,24%), xuống 1.132,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 13,8 USD (-1,21%), xuống 1.131,7 USD/ounce. Đà giảm của giá kim loại quý này tiếp tục duy trì trong phiên giao dịch hôm qua trên thị trường châu Á.
Sau khi lình xình trong phiên sáng, khi bước sang phiên chiều trên thị trường châu Á, giá vàng đã giảm mạnh, xuyên thủng ngưỡng 1.130 USD/ounce. Cụ thể, tính tại thời điểm 16h15 chiều qua theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.126,1 USD/ounce, giảm 6 USD/ounce (-0,53%), giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,8 USD/ounce (-0,51%), xuống 1.125,9 USD/ounce.