Tại thị trường trong nước, sau khi biến động mạnh đầu ngày, giá vàng SJC đã trở lại với mức giá cuối tuần trước 36,47 – 36,75 triệu đồng/lượng ngay sau đó và giữ nguyên khi về cuối ngày.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc đầu ngày mua vào - bán ra ở 35,91 - 36,36 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối tuần trước. Mức giá này được giữ nguyên khi về cuối ngày.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.350,4 USD/ounce, sau khi mở phiên, giá vàng chủ yếu dao động nhẹ quanh ngưỡng này, đóng cửa ở 1.347,5 USD/ounce, giảm nhẹ so với giá mở cửa.
Theo các chuyên gia, phản ứng này của giá vàng cho thấy giới đầu tư nhanh chóng tìm tới vàng bởi họ không tin vào những gì mà Fed đang thể hiện và cho rằng, chỉ là vấn đề thời gian cho tới khi tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn cầu áp dụng thêm các biện pháp nới lỏng.
Trong ngày thứ Sáu (29/7), giá vàng lên mức cao nhất 2 tuần sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố các biện pháp nới lỏng chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Yếu tố này khiến đồng yên nhanh chóng tăng giá mạnh so với đồng USD.
“Một khi đồng USD chịu áp lực, giới đầu tư sẽ tìm tới vàng. Nếu có thêm một đợt bán ra khác với đồng USD, giá vàng có thể thử sức ở ngưỡng cao hơn”, Darin Newsom, chiến lược gia tại Telvent DTN cho biết.
Trong tuần này, các thông tin quan trọng được thị trường để mắt tới là cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh diễn ra ngày thứ Năm ((4/8); số liệu việc làm tại Mỹ trong tháng 7 và tăng trưởng GDP quý II của Mỹ trong ngày thứ Sáu (5/8).