Tại thị trường trong nước, giá vàng được điều chỉnh tăng theo diễn biến của thị trường quốc tế.
Vàng SJC lúc đầu ngày niêm yết ở 33,72 - 33,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm nhẹ 10.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối tuần trước. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 90.000 đồng/lượng chiều bán ra, giao dịch ở 33,82 - 34,04 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc đầu ngày mua vào - bán ra ở 31,31 - 31,76 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với cuối tuần trước. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh tăng 180.000 đồng/lượng mỗi chiều, mua vào - bán ra ở 31,49 - 31,94 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 22.320 - 22.400 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 120 đồng chiều mua vào và 140 đồng chiều bán ra so với cuối tuần trước.
Trên thị trường tự do, USD hiện giao dịch ở 22.350 – 22.380 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 90 đồng chiều mua vào và 100 đồng chiều bán ra so với cuối tuần trước.
Trong phiên Á hôm nay, giá vàng nối tiếp đà tăng từ tuần trước, giữ vững đà tăng trong suốt phiên.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.156,40 USD/ounce, ngay sau khi mở phiên, giá liên tục lên dốc, đạt đỉnh ở 1.166,40 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với giá mở cửa và chốt phiên tại 1.165,40 USD/ounce.
Thêm vào đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lùi thời gian nâng lãi suất, đồng thời thể hiện mối lo ngại đối với tác động của nền kinh tế thế giới tới kinh tế Mỹ đã tổn thương sức mạnh của đồng USD, tạo lợi thế cho vàng trong mắt giới đầu tư.
Chưa kể tới, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định rằng, giá dầu đã chạm đáy và đang hồi phục trở lại, giá dầu ngay lập tức đã vượt qua mốc 50 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Đà tăng của dầu sẽ kích thích sự tăng trưởng của các loại hàng hóa và nguyên liệu thô khác, trong đó có vàng.