Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 3/1 tăng thêm 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, hiện niêm yết lần lượt ở mức 84,0 – 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay cũng tăng 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 84,4 – 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 34 USD lên 2.658,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng nhẹ 1,5 USD lên 2.659,7 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 2/2025 trên sàn Comex New York tăng 28 USD, tương ứng tăng 1,06% lên mức 2.669 USD/ounce.
Vàng tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong hơn 2 tuần, bất chấp chỉ số đô la Mỹ tăng mạnh lên mức cao nhất trong hơn 2 năm.
Hoạt động mua dựa trên biểu đồ được đưa ra khi các tư thế kỹ thuật ngắn hạn cho kim loại quý này vừa được cải thiện gần đây. Đồng thời, lực hỗ trợ mua vào trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2025 này cũng đến từ đợt tăng giá trên thị trường dầu thô.
Theo Trading Economics: “Đợt tăng giá này được thúc đẩy bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của Hoa Kỳ, hoạt động mua vào kỷ lục của các ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị dai dẳng, bao gồm cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Kyiv hôm thứ Tư vừa qua và các hành động quân sự của Israel ở Gaza”.
Sau năm 2024 chứng tỏ sức mạnh với mức tăng khoảng 27% - mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ năm 2010, vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ triển vọng tăng giá trong năm 2025. Trong đó, căng thẳng địa chính trị dai dẳng ở Ukraine và Trung Đông, kết hợp với việc ngân hàng trung ương tiếp tục tích trữ vàng, tạo nên nền tảng vững chắc cho việc hỗ trợ giá.
Ngoài ra, sự không chắc chắn xung quanh các thay đổi chính sách kinh tế và điều chỉnh thuế quan do Tổng thống đắc cử Trump đề xuất có thể tạo thêm động lực tăng giá, có khả năng đẩy vàng lên mức cao kỷ lục mới.
Tuy nhiên, các tuyên bố gần đây từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, đưa ra một lưu ý thận trọng. Powell đã nhấn mạnh đến rủi ro lạm phát mới, điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một tài sản không sinh lời.
Công cụ FedWatch của CME hiện chỉ ra khả năng 88,8% rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ duy trì lãi suất hiện tại trong khoảng từ 4,25% đến 4,5% tại cuộc họp FOMC vào tháng 1. Đối với tháng 3, khả năng 47,9% là tiếp tục tạm dừng lãi suất, trong khi triển vọng của tháng 5 chỉ cho thấy khả năng 38,5% là duy trì lãi suất hiện tại. Công cụ này cho thấy khả năng 47,1% là đến tháng 5/2025, Cục Dự trữ Liên bang sẽ hạ lãi suất xuống khoảng từ 4% đến 4,25%.
Với mức giá khoảng 2.659,7 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 82,83 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 2,67 triệu đồng/lượng.
|
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay tăng mạnh lên mức 109,27 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 3/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.334 đồng/USD, giảm 8 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.117 – 25.551 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.220 – 25.550 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.700 đồng/USD và bán ra là 25.800 đồng/USD.