Giá vàng hôm nay ngày 22/11: Giá vàng và USD cùng tăng tốc

(ĐTCK) Bất chấp USD tăng vọt, giá vàng thế giới vẫn trên đà tăng tốc và đạt mức cao nhất trong hai tuần do căng thẳng địa chính trị leo thang và vàng trong nước cũng duy trì đà tăng mạnh.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 22/11 tiếp tục tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết lần lượt ở mức 84,7 – 86,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 250.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 85,08 – 86,03 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 19,2 USD lên 2.669,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng 10 USD lên 2.679,6 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York tăng 23,2 USD, tương ứng tăng 0,87% lên mức 2.674,9 USD/ounce.

Giá vàng tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong hai tuần khi nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao hơn do căng thẳng địa chính trị khi xung đột Nga – Ukraine leo thang. Thêm vào đó, hoạt động mua kỹ thuật cũng tăng trong tuần này khi trạng thái biểu đồ ngắn hạn tiếp tục cải thiện đối với kim loại quý này.

Về mặt dữ liệu kinh tế vĩ mô, báo cáo yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần mới nhất cho thấy có 213.000 yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới, giảm so với tuần trước. Điều này càng làm giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 12, với công cụ FedWatch của CME hiện cho thấy Phố Wall đặt tỷ lệ cắt giảm vào tháng tới là 56%, giảm so với mức 72% của tuần trước.

Dự báo về xu hướng vàng, Matthew Jones, nhà phân tích kim loại quý tại Solomon Global cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, mức 2.800 USD/ounce đối với vàng trước Giáng sinh không phải là không thể.

Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine đã trở thành một trong những cuộc đối đầu dữ dội nhất và có ý nghĩa địa chính trị nhất của thế kỷ 21 Trong thời kỳ xung đột gia tăng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và lệnh trừng phạt kinh tế lan rộng là phổ biến, tất cả đều có thể báo hiệu tốt cho giá vàng.

“Những gián đoạn này có thể thúc đẩy lạm phát và bất ổn kinh tế, cả hai đều là những yếu tố tích cực trong lịch sử đổi với vàng”, ông nói.

Với mức giá khoảng 2.679,6 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 83,32 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 3,18 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay tăng mạnh lên mức 107,06 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 22/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.295 đồng/USD, tăng 5 đồng so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.080 – 25.510 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.175 – 25.509 đồng/USD.

Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.750 đồng/USD và bán ra là 25.850 đồng/USD.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục