Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đã ngừng điều chỉnh do bước vào kỳ nghỉ tết Âm lịch 2022, và kết thúc năm Tân Sửu tại mức 61,80 – 62,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 61,80 – 62,50 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu hiện đứng ở mức 53,39 – 54,14 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 4,2 USD lên 1.800,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và để mất mốc tâm lý 1.800 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 3/2022 trên sàn Comex New York giảm hơn 2 USD xuống 1.798,6 USD/ounce.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Ba nới đà tăng, khi căng thẳng địa chính trị xung quanh Ukraine hỗ trợ, nhưng đà đi lên bị chặn lại khá nhiều bởi đồng USD mạnh lên.
Ngày thứ Ba, Hiệp hội Thị trường Vàng bạc London (LBMA) đã công bố kết quả của cuộc khảo sát dự báo hàng năm của mình. Theo đó, trong số 34 nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát, phần lớn kỳ vọng giá vàng sẽ tương đối ổn định, trung bình vào năm 2022 quanh 1.801,9 USD/ounce, chỉ cao hơn đôi chút với mức giá trung bình của năm ngoái là 1.798,60 USD/ounce.
Theo báo cáo, các nhà phân tích đang theo dõi ba yếu tố tác động đến vàng trong năm nay, đó là lãi suất tăng, mối đe dọa lạm phát và sự biến động thị trường cao hơn.
LBMA cho biết: “Đáng ngạc nhiên là Covid-19 và căng thẳng địa chính trị không được coi là tác nhân chính đối với giá vàng trong năm 2022”.
Với mức giá khoảng 1.798 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức gần 49,95 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng gần 12,6 triệu đồng/lượng.