Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 50.000 đồng/lượng trong phiên hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 1/9 tại Hà Nội chưa có sự biến động, hiện niêm yết lần lượt ở mức 65,85 – 66,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 65,85 – 66,65 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 220.000 đồng/lượng so với hôm qua, hiện đứng ở mức 51,06 – 51,81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 12,5 USD xuống mức 1.711,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm xuống mức 1.707,2 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 10/2022 trên sàn Comex New York giảm 10 USD xuống 1.716,9 USD/ounce.
Standard Chartered cho biết, mặc dù vàng đang thiếu niềm tin vào thời điểm hiện tại khi giá có xu hướng hướng tới 1.700 USD/ounce, nhưng mức giảm tiếp theo vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, tin tốt cho vàng là nó không có khả năng giảm sâu hơn nữa vì phần lớn rủi ro giảm giá đã được định giá, Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý tại Standard Chartered, cho biết.
Cooper viết trong một báo cáo tuần này: “Mặc dù kim loại màu vàng phải đối mặt với những rủi ro giảm giá đáng kể, nhưng nó cũng được hưởng lợi từ những điều kiện thuận lợi bao gồm rủi ro suy thoái, thị trường vật chất phản ứng nhanh về giá, định vị đã được thu nhỏ và lạm phát gia tăng”.
Cooper cho biết thêm: "Triển vọng tăng lãi suất hơn nữa đã ngăn chặn sự thèm muốn của các nhà đầu tư. Trong khi chúng tôi kỳ vọng vàng sẽ có xu hướng giảm xuống mức 1.700 USD/ounce trong quý IV2022, những yếu tố này có khả năng hạn chế sự giảm giá này".
Sắp tới, Standard Chartered nhận thấy Cục Dự trữ Liên bang chỉ tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 sắp tới và sau đó tạm dừng tại các cuộc họp tháng 11 và tháng 12. Đây là một triển vọng ôn hòa hơn một chút so với những gì thị trường mong đợi, với việc định giá Công cụ FedWatch của CME có 70,5% khả năng tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 9.
"Những lo ngại về tăng trưởng chậm hơn và nguy cơ suy thoái gia tăng sẽ tạo ra tác động xấu cho vàng. Hiện tại, vàng chủ yếu lấy tín hiệu từ USD, với tương quan dao động trong ba tháng ở mức -58%."
Với mức giá khoảng 1.707,2 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 49,12 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 17,55 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 108,84 điểm.
Tỷ giá trung tâm ngày 31/8, trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9, được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.219 đồng/USD, giảm 3 đồng so với ngày trước đó. Với biên độ +/-3% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.522 - 23.916 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 22.550 – 23.400 đồng/USD.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.290 – 23.750 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 24.000 đồng/USD và bán ra là 24.120 đồng/USD.