Giá vàng hôm nay ngày 17/7: Vàng nhẫn tiếp tục nóng lên, giá vàng thế giới "chạm" trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh vàng thế giới tăng tốc mạnh và đã "đuổi kịp" giá vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn trong nước vẫn giữ được xu hướng tăng và tiến sát mốc 78 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay ngày 17/7: Vàng nhẫn tiếp tục nóng lên, giá vàng thế giới "chạm" trong nước

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi đi ngang trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 17/7 tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và chưa có thêm sự biến động nào ở chiều bán, hiện niêm yết lần lượt ở mức 75,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 280.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 76,46 – 77,76 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 46,5 USD lên 2.468,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng nhẹ 4,1 USD lên 2.473 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 8/2024 trên sàn Comex New York tăng 38,9 USD, tương ứng tăng 1,6% lên mức 2.467,8 USD/ounce.

Giá vàng đã tăng vọt và lập mức cao kỷ lục mới khi kim loại quý này đón làn sóng lạc quan về việc cắt giảm lãi suất và nỗi lo sợ về địa chính trị.

Chuyên gia đầu cơ vàng và nhà phê bình tiền điện tử nổi tiếng Peter Schiff đã nhanh chóng chia sẻ quan điểm của mình về sự tăng vọt này. “Vàng vừa đạt một mức cao kỷ lục và sẽ không lâu nữa nó sẽ vượt qua mức 2.500 USD/ounce”, ông nói.

Bên cạnh việc kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất đang đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục mới, một chiến lược gia thị trường cho rằng điều tốt nhất vẫn chưa đến với vàng.

Ông Robert Minter, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại abrdn cho biết, ông không ngạc nhiên khi Powell và Cục Dự trữ Liên bang chuyển hướng tập trung khỏi lạm phát. Ông lưu ý rằng, nợ tiêu dùng tăng trong môi trường lãi suất cao có thể gây ra rủi ro đáng kể cho nền kinh tế.

Mặc dù rủi ro đang gia tăng, Minter cho biết vẫn có cơ hội Fed có thể tránh được suy thoái, đó là lý do tại sao vàng có nhiều tiềm năng như vậy.

“Có rất nhiều rủi ro và Cục Dự trữ Liên bang hơi chậm một chút, nhưng họ không chậm đến mức chết người. Đây là lý do cho việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 khả năng khá chắc chắn sẽ xảy ra. Vì Fed đang chậm trễ, họ sẽ phải làm nhiều hơn một chút, nhanh hơn một chút để cố gắng bắt kịp”, ông nói và cho rằng trong bối cảnh này, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nhu cầu của nhà đầu tư đẩy giá vàng tăng cao đáng kể.

Về mức giá vàng có thể tăng cao đến mức nào, Minter cho biết, ông không còn tập trung vào mục tiêu giá cụ thể nữa vì ông chú ý nhiều hơn đến xu hướng và tiềm năng tăng giá.

Với mức cao kỷ lục mới, giá vàng đã tăng hơn 19% vào năm 2024, nhưng Minter cho biết đây chỉ là khởi đầu cho tiềm năng thực sự của kim loại quý này.

Với mức giá khoảng 2.473 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 76,76 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 0,22 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 104,22 điểm.

Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 17/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.256 đồng/USD, tăng 11 so với phiên hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 23.043 – 25.469 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.450 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 25.218 – 25.468 đồng/USD.

Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 25.510 đồng/USD và bán ra là 25.600 đồng/USD.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục