Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 14/11 tiếp tục tăng 250.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 69,75 – 70,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 69,75 – 70,55 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua, hiện đứng ở mức 58,93 – 59,88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 7,1 USD lên 1.945,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đi ngang và tạm đứng tại mức 1.944,9 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York tăng 12,5 USD, tương ứng tăng 0,65% xuống 1.950,2 USD/ounce.
Giá vàng đảo chiều hồi phục nhẹ sau phiên giảm mạnh về mức thấp nhất trong 4 tuần khi gần đây, rủi ro đang dần quay trở lại thị trường chung vì không có sự leo thang quân sự lớn nào trong cuộc xung đột Israel-Hamas.
Nhà đầu tư đang chờ đợi những công bố chính thức về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 trong ngày 14/11, với dự báo chỉ số CPI tại Mỹ sẽ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, đi ngang mức tăng của tháng 9.
Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào thứ Tư trong hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco. Nhà Trắng coi việc nối lại liên lạc quân sự Mỹ/Trung là ưu tiên hàng đầu. Iran cũng nằm trong chương trình nghị sự, bao gồm cả vấn đề về chương trình hạt nhân của Iran.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ một lần nữa đang nỗ lực thông qua một biện pháp tài trợ cho chính phủ liên bang, hạn chót là nửa đêm thứ Sáu.
Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý khác là lễ hội ánh sáng của người Hindu, lễ Diwali kéo dài 5 ngày, đây là một sự kiện quan trọng đối với thị trường vàng toàn cầu vì Ấn độ là một trong những quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới và kim loại quý này thường được tặng làm quà trong những ngày lễ.
Harshal Barot, cố vấn nghiên cứu cấp cao tại Metals Focus, cho biết nhu cầu không ổn định trong hầu hết thời gian trong năm; tuy nhiên, giá giảm vào đầu tháng đã tạo ra một số lạc quan.
Vinod Bamalwa, Chủ tịch Ủy ban Đá quý và Trang sức ICC đồng thời là giám đốc của Nemiahand Bamalwa & Sons, cho biết ông nhận thấy doanh số bán hàng làm tăng nhu cầu vàng từ 25 - 30% so với năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, George Milling-Stanley nói rằng nhu cầu vật chất vững chắc ở Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác sẽ hỗ trợ vững chắc cho vàng khi giá giữ mức tăng cao vào cuối năm. Đặc biệt, sau lễ Diwali lại là mùa cưới ở Ấn Độ.
“Đây thường là giai đoạn theo mùa mạnh mẽ đối với nhu cầu vàng vật chất, vì vậy có lý do để lạc quan rằng giá vàng sẽ giữ được mức tăng gần đây”, ông nói.
Với mức giá khoảng 1.944,9 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 58,19 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 12,38 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 105,65 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 14/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.020 đồng/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.819 – 25.221 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.171 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 24.170 – 24.540 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 24.620 đồng/USD và bán ra là 24.7250 đồng/USD.