Giá vàng giảm chậm so với thế giới: câu chuyện nội tại

(ĐTCK) Theo các chuyên gia kinh tế, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gần đây có thời điểm ở mức rất cao. Ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được các chuyên gia đề cập, nhưng điểm mấu chốt vẫn là câu chuyện nội tại Việt Nam.
Để tránh vàng lậu, giới đầu cơ thao túng khiến thị trường vàng biến động, cần tính đến việc huy động vàng trong dân, hay sớm triển khai sàn giao dịch vàng Để tránh vàng lậu, giới đầu cơ thao túng khiến thị trường vàng biến động, cần tính đến việc huy động vàng trong dân, hay sớm triển khai sàn giao dịch vàng

Chênh lệch giá hơn 5 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới giao ngay đầu giờ sáng ngày 22/12 (giờ Việt Nam) là 1.133,5 USD/ounce, tăng khoảng 1 USD/ounce so với cùng giờ sáng ngày 21/12. Giá vàng đêm hôm trước trên thị trường New York có lúc hồi phục lên gần 1.137 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex New York giảm 0,2 USD/ounce, xuống 1.133,4 USD/ounce. Hiện giá vàng cao hơn 6,5% (69 USD/ounce) so với đầu năm.

Tại thị trường trong trong nước, giá vàng tiếp tục “một mình một ngựa”. Đầu giờ sáng ngày 22/12, giá vàng miếng được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết mua vào - bán ra ở mức 36,1 - 36,5 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mức giá cuối giờ chiều 21/12.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thông báo giá mua vào - bán ra ở mức 35,77 - 36,49 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 30.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mức giá cuối giờ chiều 21/12.

Một chuyên gia kinh tế cho biết, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng hiện có giá hơn 31,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn giá vàng trong nước 5,2 triệu đồng/lượng. Những ngày trước đó, mức chênh lệch lên tới gần 7 triệu đồng/lượng.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngay sau kết quả cuộc họp Ủy ban Thị trường mở của Fed quyết định nâng lãi suất định hướng thêm 0,25%/năm, lên mức 0,5 - 0,75%/năm tại phiên họp thường kỳ tháng 12 diễn ra trong 2 ngày 13 - 14/12, đã tạo ra tác động gián tiếp đối với thị trường ngoại hối liên ngân hàng thông qua một số khía cạnh, trong đó có giá vàng.

Nguyên nhân nào?

Một chuyên gia kinh tế phân tích, sau khi kết quả cuộc họp của Fed được công bố, giá vàng thế giới giảm mạnh, trong khi giá vàng trong nước chỉ điều chỉnh 150.000 đồng/lượng, dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nới rộng lên 4,2 triệu đồng/lượng. Theo đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng thêm 30 - 50 đồng/USD, xuất phát từ nhu cầu ngoại tệ để nhập lậu vàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao do thị trường vàng thế giới và trong nước không liên thông nên xu hướng lên hoặc xuống trên thế giới không tác động đến Việt Nam. Thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam không dễ dự đoán khi theo nguyên lý thị trường, tỷ giá ổn định thì giá vàng phải ổn định. Trong khi đó, giá vàng thế giới giảm do yếu tố lãi suất USD tăng, giới đầu tư dần lấy lại được niềm tin của nền kinh tế Mỹ và đặc biệt đối với Tổng thống mới đắc cử.

“Thực tế, giá vàng biến động mạnh hơn thị trường ngoại hối, trong đó bao gồm tất cả những yếu tố mang tính chất phi thị trường trong thị trường vàng, dẫn đến thị trường vàng xao động, trở nên phức tạp hơn nhiều”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo đánh giá của giám đốc tiền tệ một ngân hàng thương mại, diễn biến trên thị trường ngoại hối trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào động thái của Ngân hàng Nhà nước do tỷ giá hiện tại đã chạm vào ngưỡng tâm lý và thanh khoản trên thị trường đang giảm.

Ngân hàng Nhà nước cần tập trung bổ sung nguồn cung ngoại tệ tạm thời cho thị trường để nhanh chóng ổn định tâm lý; đặc biệt, bổ sung nguồn cung vàng cho thị trường, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Thời gian tới, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng trở lại.

Cung bao nhiêu lượng vàng, giá sẽ giảm?

Nhìn lại năm 2013, đầu năm, giá vàng mua vào - bán ra được giao dịch ở mức 46,1 - 46,6 triệu đồng/lượng, nhưng đến phiên cuối năm, giá vàng giảm còn 34,70 - 34,78 triệu đồng/lượng.

Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn. Trong số gần 70 tấn vàng này, có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng bán ra thị trường.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng trên thị trường để can thiệp, bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng”.

Một số chuyên gia kinh tế nhận xét, mặc dù đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, bên cạnh việc chưa huy động được nguồn lực vàng trong dân. Điều này thể hiện rõ khi bước sang năm 2014, chênh lệch giá vàng vẫn ở mức trên 4 triệu đồng/lượng.

Điều quan trọng cần phân biệt rõ hơn đó là những biến động thị trường vàng thời điểm năm 2013 vướng vào câu chuyện cho vay và huy động vàng nên các ngân hàng cần cân đối lại trạng thái. Còn hiện tại, thị trường vàng đã tương đối ổn định và những biến động về giá vàng cũng như USD là do sự đầu cơ hay tác động của nền kinh tế.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng khi quyết định đấu thầu vàng trở lại, mặc dù việc để thị trường tự điều tiết là điều không thể do Ngân hàng Nhà nước vẫn là đơn vị duy nhất nhập khẩu vàng. Để tránh vàng lậu, giới đầu cơ thao túng khiến thị trường vàng biến động, cần tính đến việc huy động vàng trong dân, hay sớm triển khai sàn giao dịch vàng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục