Động lực từ USD mất giá + bất ổn địa chính trị
Sau nhịp điều chỉnh trong phiên 18/9/2024, giá vàng thế giới liên tục đi lên và đến cuối tuần qua (27/9) đã tiệm cận mốc 2.700 USD/ounce - mức cao chưa từng có trong lịch sử.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn hiện nay, vàng đang được hưởng lợi. Tháng 8/2024, vàng đã tăng giá 3,6%, đạt 2.513 USD/ounce. Ngày 20/8/2024, giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại, chạm mốc 2.557 USD/ounce trước khi giảm nhẹ vào cuối tháng và tiếp tục quỹ đạo tăng trong tháng 9.
Các chuyên gia của WGC cho hay, những yếu tố chính thúc đẩy giá vàng tăng là do sự suy yếu của USD và sự trượt dốc của lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm khi Fed cho thấy, khả năng nhiều đợt cắt giảm lãi suất sẽ được thực hiện.
Theo phân tích của ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB cho rằng, đợt cắt giảm lãi suất vừa qua của Fed và dự kiến sẽ còn các đợt cắt giảm tiếp theo sẽ là động lực tích cực cho giá vàng. Trước đây, các tổ chức mua vàng và các sản phẩm đầu tư liên quan đã bị hạn chế do mức lãi suất USD cao. Với lãi suất USD lên tới 5%/năm trước đây, chi phí cơ hội khi đầu tư vào vàng là đáng kể. Nhưng chi phí cơ hội này dự kiến sẽ giảm khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất và UOB kỳ vọng các tổ chức sẽ tiếp tục mua vàng trong những tháng tới. Đồng thời, bất ổn địa chính trị tại châu Âu và Trung Đông đang thúc đẩy hoạt động mua vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Ngoài hai động lực trên, còn một yếu tố thứ ba dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu vàng trong những tháng tới. Cụ thể, một biện pháp chính để các tổ chức mua vàng là thông qua các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng (ETF). Lượng nắm giữ của các ETF dự kiến sẽ tăng trở lại những tháng tới khi hoạt động mua của các tổ chức trở lại.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng Vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, việc Fed cắt lãi suất 0,5%/năm và dự báo giảm thêm trong thời gian tới sẽ hỗ trợ tích cực lên giá vàng. Đáng chú ý là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, mãi lực vàng tăng vào cuối năm nên giá vàng có thể bứt phá lên mức cao so hiện nay.
“Việc Fed giảm lãi suất được dự báo trước, nhưng quan trọng là Fed giảm lãi suất ở mức 0,5%/năm là mức tương đối lớn. Các dự báo đưa ra, từ nay đến cuối năm, Fed sẽ còn hai đợt giảm lãi suất, vào tháng 11 và tháng 12 tới, với mức giảm khoảng 0,25%/năm mỗi đợt, tức giảm tổng cộng 1%/năm trong năm 2024 và năm 2025 giảm thêm khoảng 1 - 1,5%/năm, tiếp tục giảm thêm lãi suất USD trong năm 2026”, ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, nếu lạm phát Mỹ xuống thấp, Ngân hàng Trung ương nước này có thể cắt giảm lãi suất sâu hơn. Vì trong quá khứ, Fed đã từng đưa lãi suất về 0,25 - 0,5%/năm, nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu lãi suất USD về lại mức này và giá vàng sẽ tăng cao.
“Có thể đạt ngưỡng 3.000 USD/ounce”
Ông Heng Koon How cho rằng, kể từ khi bứt phá liên tục trên mức 2.500 USD/ounce vào trung tuần tháng 8/2024, giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo còn tăng trong thời gian tới. Hai yếu tố chính góp phần vào xu hướng trên kể từ cuối năm ngoái là nhu cầu “trú ẩn an toàn” cho tài sản trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và động thái mua mạnh của các ngân hàng trung ương.
UOB vẫn kỳ vọng Fed sẽ còn giảm lãi suất 2 lần trong năm nay. Một khi Fed cắt giảm lãi suất thì sức khỏe đồng USD sẽ giảm và giá vàng sẽ được hỗ trợ đi lên. Đồng thời, các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng mua vàng dự trữ cũng là một trong những yếu tố tác động lên giá vàng. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Nga nâng tỷ lệ dự trữ bằng vàng lên mức 25% và khả năng tiếp tục tăng dự trữ trong thời gian tới. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dự trữ vàng khoảng 4%; Singapore là 2% và Ấn Độ dự trữ vàng 7%.
Theo dự báo của UOB, giá vàng có khả năng đạt 3.000 USD/ounce nếu sức mạnh của USD tiếp tục giảm.
Còn theo ông Shaokai Fan, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC, việc Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu vàng gần đây đã làm tăng nhu cầu vàng của nước này, có thể thấy qua nhu cầu mua vàng của các nhà bán lẻ trang sức và người tiêu dùng tăng mạnh. Cùng với đó, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) được hỗ trợ bằng vàng trên toàn cầu đã ghi nhận dòng tiền chảy vào trong bốn tháng liên tiếp, chủ yếu từ các quỹ đầu tư phương Tây.
Theo chuyên gia WGC, các dữ liệu kinh tế đang có sự mâu thuẫn, rất khó để giải thích tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới với nhiều ẩn số càng thúc đẩy hoạt động đầu tư vào vàng. Theo ông Shaokai, khi các nhà đầu tư tìm cách đối phó với tình hình kinh tế bất ổn, vàng càng được xem như một biện pháp phòng ngừa rủi ro, đồng thời cũng được hưởng lợi từ tiềm năng lãi suất thấp hơn.
Số liệu của WGC đưa ra, trong quý II/2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.258 tấn. Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC) sôi động, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 329 tấn. Trong đó, nhu cầu vàng của khối ngân hàng trung ương đạt tổng cộng 183 tấn trong quý II/2024, thấp hơn 39% so với quý trước đó, nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng vàng mua vào nửa đầu năm 2024 lên tới 483 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phó chủ tịch VGTA Huỳnh Trung Khánh cho rằng, giá vàng được dự báo sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm nay, ngoài lý do Fed hạ lãi suất thì nhu cầu vàng tăng trong quý IV. Mặc dù trong những tháng gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tạm dừng mua vàng nhưng một số ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục mua vào, với dự báo cả năm đạt mức mua vào khoảng 800 tấn vàng (so với mức 1.000 tấn vàng mà các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào trong năm 2023). Đáng chú ý hơn là căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông có dấu hiệu leo thang, nên nhiều nhà đầu tư vẫn muốn đồng vốn trú ẩn ở kênh vàng. Do đó, triển vọng của vàng còn sáng trong thời gian tới và mức giá 3.000 USD/ounce vàng có thể không còn quá xa.
“Từ năm ngoái đến nửa đầu năm nay, giá vàng đã tăng 30 - 35%, nên theo tôi, để đạt được mức 3.000 USD/ounce thì vàng chỉ cần nhấc thêm khoảng 25%. Đây là điều không quá khó để xảy ra, nếu các yếu tố hỗ trợ giá vàng thời gian qua tiếp tục được duy trì trong thời gian tới”, ông Khánh nói.
Tại thị trường trong nước, sau các biện pháp điều tiết nguồn cung và tăng cường kiểm soát phía cầu, giá vàng đã gần tiệm cận với giá vàng thế giới. Tuy vậy, với các biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng, kênh đầu tư này cũng đang mất dần sức hút với người dân.