Giá vàng, chứng khoán và USD biến động mạnh trước cơn địa chấn thuế quan

(ĐTCK) Các chính sách thuế quan thay đổi liên tục từ chính quyền Tổng thống Trump đang khiến thị trường toàn cầu trải qua những đợt biến động dữ dội. 

Sau gần 90 ngày liên tiếp chứng kiến những thay đổi chính sách chóng mặt kể từ khi Tổng thống Trump công bố thuế quan đối ứng vào ngày 2/4, giới đầu tư đã dần quen với kịch bản leo thang – rồi lại tạm hoãn. Do đó, họ đang kỳ vọng vào một sự trì hoãn hoặc nhượng bộ sau thời hạn ngày 9/7 – dù không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra.

Mới đây, Tổng thống Trump cho biết các bức thư chính thức sẽ được gửi tới các quốc gia từ ngày 4/7 để thông báo về mức thuế quan mà họ phải đối mặt đối với hàng xuất khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo ông, 10 hoặc 12 bức thư đầu tiên sẽ được gửi đi, sau đó tiếp tục là các đợt thông báo tương tự.

“Mức thuế quan có thể dao động từ 10–20%, thậm chí lên tới 60–70%”, ông Trump tuyên bố.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết, khoảng 100 đối tác thương mại có thể sẽ thấy mức thuế đối ứng tối thiểu là 10% vào tuần tới, đồng thời hy vọng sẽ có một loạt thỏa thuận được thực hiện trước thời hạn.

Diễn biến giá vàng và chỉ số MSCI World

Thị trường cổ phiếu hồi phục

Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ sau sự biến động mạnh do thông báo thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump.

Sau khi giảm 10% từ ngày 2/4 đến ngày 9/4 - ngày Tổng thống Trump tạm hoãn áp thuế, chỉ số MSCI World đã đạt mức cao kỷ lục và tăng hơn 11% kể từ ngày 2/4.

Thị trường cổ phiếu toàn cầu đã có thêm một đợt tăng giá vào tháng 5, khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm thời hoãn các mức thuế quan trong thời hạn 90 ngày nữa. Căng thẳng địa chính trị, bao gồm xung đột giữa Israel và Iran gần đây đã tạm thời kiềm chế tâm lý nhưng không làm chệch hướng xu hướng tăng giá chung.

Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 10% kể từ ngày 2/4 và đạt mức cao kỷ lục tính theo đồng đô la. Nhưng sự suy yếu của đồng đô la đã làm xói mòn lợi nhuận cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, tính theo đồng euro hoặc đồng franc Thụy Sĩ, chỉ số này vẫn thấp hơn khoảng 10% so với mức cao kỷ lục của tháng 2, trong khi tính theo đồng bảng Anh, chỉ số này thấp hơn 7% so với mức đỉnh được tính bằng đồng bảng Anh.

Đồng USD giảm mạnh nhất kể từ 1973

Mặc dù được xem là đồng tiền mạnh và ổn định nhất thế giới, đồng USD đã bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Tổng thống Trump và quyết định tạm hoãn áp thuế trong thời hạn 90 ngày sau đó.

Chỉ số đồng đô la đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 1973, với mức giảm khoảng 11%. Chỉ số này đã giảm 6,6% kể từ ngày 2/4.

So với các tiền tệ của một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, mức giảm thậm chí còn rõ rệt hơn. Đồng USD đã mất khoảng 8% so với đồng euro và đồng peso Mexico kể từ đó và 5% so với đồng đô la Canada.

Vincent Mortier, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu Amundi cho biết, đồng euro còn nhiều dư địa để tăng, đặc biệt là khi lo ngại về nợ của Mỹ cũng đang đẩy đồng đô la tiếp tục suy yếu.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đến cuối năm sau, đồng euro bắt đầu quay trở lại mức 1,30 USD", ông cho biết.

Sự không chắc chắn đối với các nhà xuất khẩu

Cổ phiếu của các ngành xuất khẩu lớn như dược phẩm và ô tô, chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) sang Mỹ đã phục hồi, nhưng đang đối mặt với nhiều biến động hơn.

Hiện tại, EU đang cởi mở trong việc thực hiện một thỏa thuận thương mại với Mỹ về việc Mỹ áp dụng mức thuế quan chung 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của EU, một số nhà đầu tư sẽ đánh giá tích cực nếu thỏa thuận này được xác nhận.

"Tổng thống Trump thực sự khó đoán, nhưng nếu thực sự ở mức khoảng 10%, tôi nghĩ thị trường sẽ phản ứng rất tốt", Carlo Franchini, Giám đốc bộ phận khách hàng tổ chức tại Banca Ifigest cho biết.

Tuy nhiên, tác động của các cuộc đàm phán thương mại đang vượt ra ngoài châu Âu, trong đó các nhà sản xuất ô tô tại Nhật Bản cũng đang được theo dõi. Trường hợp cơ bản của Citi là mức thuế quan duy trì ở mức 25%, trong khi việc cắt giảm bất ngờ xuống 10% có thể mở ra mức tăng 50% cho cổ phiếu ô tô Nhật Bản.

Giá vàng tăng vọt

Vàng được xem là tài sản an toàn trước một loạt rủi ro, từ lạm phát do thuế quan gây ra, đến rủi ro địa chính trị và sự dịch chuyển khỏi đồng đô la.

Giá vàng đã tăng 26% kể từ đầu năm lên khoảng 3.330 USD/ounce. Vàng đã vượt qua Bitcoin với mức tăng khoảng 14% trong năm nay, thậm chí là cả cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia với mức tăng khoảng 18% trong năm nay.

Kể từ ngày 2/4, đà tăng của vàng đã tăng tốc khi được thúc đẩy bởi các giao dịch mua vào từ các ngân hàng trung ương, các nhà quản lý quỹ và thậm chí là các cá nhân.

Một cuộc khảo sát của UBS Asset Management tuần này cho thấy 39% số người tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch tăng lượng vàng nắm giữ, so với 15% vào năm ngoái. Trong đó, sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là một trong những mối quan tâm chính được nêu trong cuộc khảo sát trong bối cảnh chủ tịch Fed Jerome Powell liên tục bị Tổng thống Trump chỉ trích do không cắt giảm lãi suất đủ nhanh.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục