Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (1/10/2016), giá vàng đứng ở mức 1.315,9 -1.316,9 USD/ounce, giảm 4 USD/ounce so với phiên trước đó. Tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 1.316,32 USD/ounce. Giá vàng đã tăng gần 1% trong tháng 9, một phần vì đồng USD suy yếu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong phiên họp chính sách, nhưng tính chung trong quý III, giá vàng giảm nhẹ do có mức giảm tới 3% trong tháng 8.
Giới đầu tư vàng thế giới đang hướng sự quan tâm tới diễn biến cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ giữa hai ứng cử viên, ông Donald Trump và bà Hilary Clinton. Theo dự báo của một số chuyên gia, giá vàng thế giới có thể vượt qua ngưỡng 1.400 USD/ounce nếu ông Donald Trump thắng cử, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2013 đến nay, sau đó tiếp tục biến động. Trái lại, nếu bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống Mỹ, giá vàng sẽ giảm về khoảng 1.250 USD/ounce.
Những diễn biến tăng, giảm bất ngờ của giá vàng trong thời gian qua khiến cho các nhà đầu tư bị phân tâm và giữ khoảng cách an toàn khi tham gia giao dịch. Điều này khiến thị trường vàng chưa ghi nhận được lượng giao dịch đột biến. Trong những phiên giao dịch gần đây, một lượng nhỏ nhà đầu tư tìm đến vàng khi mức giá đang chạm ngưỡng thấp, trong khi số đông vẫn án binh bất động để chờ cơ hội tốt hơn.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vàng, mặt hàng kim loại quý này đang dò dẫm tìm bệ đỡ và cũng chưa có tín hiệu chắc chắn nào làm động lực cho sức bật của giá vàng trong ngắn hạn. Đáng chú ý là khi các thông tin đưa ra, khả năng Fed còn đợt tăng lãi suất đồng USD vào cuối năm 2016. Đồng thời, các yếu tố cung - cầu trong nước và yếu tố kinh tế chính trị thế giới đang ảnh hưởng lớn tới tâm lý đầu tư. Vì thế, theo giới phân tích, trước khi tham gia giao dịch, nhà đầu tư cần thận trọng, tích lũy kiến thức, thông tin thị trường để có thể tự tin giao dịch.
Giá vàng đang tìm kiếm ngưỡng hỗ trợ quanh mức 1.320 – 1.325/ounce và sau đó đi lên. Mục tiêu tiềm năng được một lãnh đạo ngành vàng cho rằng, vẫn nằm quanh 1.450 - 1.455 USD/ounce, mục tiêu tương đương trong những tháng tới.
Còn theo Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, một khi trụ vững trên ngưỡng kháng cự ngắn hạn tại 1.345-1.347 USD/ounce, ngưỡng kháng cự tiếp theo của giá vàng sẽ là 1.365-1.375 USD/ounce. Nếu gặp chất xúc tác mạnh, giá vàng có thể lên cao hơn nữa, tiếp cận các mức 1.400 USD/ounce hoặc thậm chí là xa hơn. Ngưỡng hỗ trợ đang nhìn thấy tại 1.305 - 1.310 USD/ounce. Do đó, các nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc để mua vàng khi thị trường lùi về mức 1.310 - 1.315 USD/ounce. Bởi “sóng” đối với mặt hàng kim loại quý này khi nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh trong quý IV là có thể xảy ra.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, tâm lý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và người dân trong nước vẫn chưa hết tính bầy đàn, thường chạy theo xu hướng mua vàng giá cao và bán ra nếu thấy mặt hàng kim loại quý này có hiện tượng giảm mạnh. Trong khi đó, các nhà đầu tư và đầu cơ trên thế giới luôn hành động ngược lại.
Quả thực, trong thời gian qua, khi thị trường vàng biến động mạnh, không ít người mất tiền vì chạy theo xu hướng bầy đàn. Còn nếu mua vàng và có tính kiên nhẫn đợi giá tăng trở lại vẫn kiếm được lợi nhuận. Nhưng để kiếm lời ở thị trường này, đòi hỏi các nhà đầu tư phải có sự am hiểu về thị trường, nắm và phân tích được diễn biến tác động đến mặt hàng kim loại quý này, kể cả tình hình chính trị trên thế giới.
Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện đã có phần thu hẹp lại, ở mức 550.000 đồng/lượng, tính theo tỷ giá quy đổi. Tuy nhiên, theo chuyên gia lĩnh vực vàng Huỳnh Trung Khánh, bên cạnh các yếu tố hỗ trợ thì giá vàng cũng đang có áp lực nhất định. Giá vàng kỳ hạn lình xình trên vùng 1.320 USD/ounce, bởi lo ngại thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC có thể thúc đẩy lạm phát. Trong khi đó, tín hiệu gần đây của Fed về khả năng tăng lãi suất trong tháng 12 tiếp tục khiến giới đầu tư vàng nản lòng.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ vàng tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Ấn Độ sụt giảm. Nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ chịu tác động lớn từ các vấn đề kinh tế quốc gia. Tại Ấn Độ, các yêu cầu bắt buộc về thẻ PAN (chứng minh nhân dân của những người có đóng thuế thu nhập khi mua trang sức bằng vàng trị giá trên 100.000 rupee) cũng tác động lớn đến nhu cầu tiêu thụ vàng của nước này.