Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Bất kỳ ai có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Trần Hồng Hà, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 142-QĐ/TW, ngày 23/4/2024 về việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ là hết sức kịp thời, đúng đắn và được kỳ vọng cao, cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thời gian qua, đã có những đồng chí cán bộ cấp cao bị kỷ luật. Đặt trong bối cảnh đó, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Quy định số 142-QĐ/TW?

Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là vấn đề cực kỳ hệ trọng, có ý nghĩa chiến lược của Đảng ta. Khi nói công tác xây dựng Đảng là then chốt, thì phải khẳng định, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ nhìn chung có nhiều đổi mới, ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Bác Hồ thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định. Ảnh: Tư Liệu

Bác Hồ thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định. Ảnh: Tư Liệu

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều trường hợp lựa chọn, sử dụng và quản lý cán bộ chưa tốt, đúng quy trình mà vẫn chưa đúng người, đúng việc, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến uy tín, thanh danh của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Đặc biệt, mới chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng mà đã có gần một trăm cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật do vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tình trạng đó làm không ít cán bộ, đảng viên day dứt, đặt câu hỏi: Phải chăng công tác cán bộ vẫn chưa thực sự là “then chốt của then chốt”, còn nhiều kẽ hở, còn nhiều hạn chế, yếu kém?

Tôi còn nhớ, một trong 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” chính là vấn đề mối quan hệ giữa người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương. Lúc đó, chúng tôi vẫn nói với nhau: Vấn đề người đứng đầu là điều nhức đầu nhất hiện nay, trước hết là trong công tác cán bộ. Đây vẫn là vấn đề cực kỳ khó, liên quan đến việc cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, mà một trong những cốt lõi là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, rất cần tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn, cả về lý luận và thực tiễn, để “tập thể lãnh đạo” làm đúng được việc lãnh đạo, còn “cá nhân phụ trách” thì làm đúng được việc mình được giao phụ trách.

Trong bối cảnh đó, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 142-QĐ/TW là hết sức kịp thời, rất đúng đắn và được kỳ vọng cao. Quy định này giúp công tác cán bộ trở nên công khai, minh bạch hơn, tập thể lãnh đạo cũng đỡ “khó xử” hơn, thậm chí là sẽ thấy “dễ xử” hơn, và quan trọng nhất là ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, kể cả tiến cử cán bộ và miễn nhiệm cán bộ.

Việc thận trọng, chỉ làm thí điểm là cần thiết, vì khi thực hiện quy định này sẽ còn liên quan đến các cá nhân, các đồng chí lãnh đạo khác và cả tập thể lãnh đạo nữa. Sau khi kết thúc thí điểm, để có thể áp dụng rộng rãi, cần có thêm các quy định để hoàn chỉnh, nhưng chắc chắn là việc giới thiệu, tiến cử, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sẽ được minh bạch, công khai hơn, trách nhiệm, bổn phận và uy tín cá nhân người đứng đầu sẽ được đề cao hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Bất kỳ ai có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng”. Quy định 142-QĐ/TW cũng nêu bật vai trò của người đứng đầu được quyền giới thiệu nhân sự cấp phó để giúp việc cho mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều hành hoạt động của cơ quan. Như vậy, có thể kỳ vọng rằng, Quy định 142-QĐ/TW sẽ tạo ra bước đột phá trong việc giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, thưa ông?

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thiên tài trong việc dùng người. Tôi nhớ, Bác từng dạy, đại ý: Người tài to thì ta dùng vào việc to, người tài nhỏ thì ta cắt cho việc nhỏ, thế thì không sợ thiếu cán bộ. Bác cũng chỉ rõ, có một số cán bộ lãnh đạo không chịu dùng người tài, không muốn đề bạt, cất nhắc người giỏi; trong cơ quan, đơn vị mình không thiếu người có năng lực, nhưng vì ích kỷ, hẹp hòi mà không cất nhắc họ.

Mấy nhiệm kỳ qua, trong dư luận vẫn râm ran về một trong những nghịch lý trong đội ngũ cán bộ hiện nay. Đó là, có những người đứng đầu dù năng lực hạn chế, nhưng không chịu dùng người hiền tài, hay khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thì không quan tâm những người có tâm huyết, năng lực, mà chỉ ưa những kẻ nịnh nọt, chạy chọt. Ngoài nguyên nhân về sự hẹp hòi, ích kỷ, thì cũng có thể, người đứng đầu còn e ngại, sợ mang tiếng khi công khai tiến cử cán bộ.

Vì thế, Quy định 142-QĐ/TW với việc trao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu một cách công khai, rõ ràng như thế, sẽ tạo thuận lợi lớn để người đứng đầu thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong lựa chọn, giới thiệu cán bộ.

Quy định này sẽ có tác dụng kép: Vừa bắt buộc người đứng đầu phải công khai giới thiệu cán bộ và chịu trách nhiệm cá nhân về việc giới thiệu của mình, lại vừa tạo “hành lang an toàn” cho người đứng đầu, tránh nỗi lo bị mang tiếng khi mình trực tiếp có ý kiến tiến cử nhân sự. Đây chính là điểm sẽ tạo ra đột phá trong công tác cán bộ.

Đối với đội ngũ cán bộ trẻ, quy định này sẽ mở ra nhiều cơ hội thăng tiến cho những cán bộ trẻ chuyên tâm với công việc, tận tụy với nhiệm vụ được giao, không lo hoặc không cần phải ganh tị với những phần tử chỉ biết chạy chọt. Phẩm chất và năng lực của cán bộ, bất luận già hay trẻ, sẽ được nhìn nhận, đánh giá và trọng dụng một cách công tâm, khách quan, minh bạch hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên án bệnh “Đem lòng yêu, ghét của mình mà đối với người”. Phải chăng, đó cũng là kim chỉ nam để Quy định 142-QĐ/TW, ngoài ràng buộc trách nhiệm khi trao quyền cho người đứng đầu giới thiệu nhân sự cấp phó, thì còn ràng buộc trách nhiệm với người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi miễn nhiệm cán bộ không đủ căn cứ, thủ tục?

Đúng là như vậy. Quy định 142-QĐ/TW đề cập một vấn đề mà trong thực tiễn tôi cũng từng chứng kiến. Trước Đại hội Đảng bộ của một cơ quan, đồng chí Bí thư kiên quyết vận động mọi người loại một đồng chí trong Ban Thường vụ, trong khi đồng chí này được anh em rất quý mến, là người có tính cương trực, thẳng thắn và một số lần đã “cãi lời” Bí thư. Kết cục là, đồng chí đó đã bị loại ra khỏi danh sách đề cử.

Trong hệ thống chính trị ở nước ta, câu chuyện về người đứng đầu “tác oai, tác quái” trong công tác cán bộ thì không thiếu, cái chính là chúng ta chưa ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu đến nơi, đến chốn.

Cho nên, tôi rất đồng tình khi Quy định 142-QĐ/TW trao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu khi tiến cử cán bộ, thì đồng thời cũng trao quyền, trách nhiệm cho họ khi đề nghị miễn nhiệm cán bộ, thậm chí đối với chính cán bộ mà mình đã tiến cử. Nếu không quy định rõ như vậy, thì rất có thể sẽ xảy ra trường hợp giới thiệu, tiến cử cán bộ, nhưng sau một thời gian thấy cán bộ có biểu hiện suy thoái mà không biết làm sao, nhất là người đứng đầu sau khi tiến cử cấp phó được một vài năm thì về hưu hoặc chuyển công tác, không nắm vững và gần gũi cán bộ mà mình tiến cử để có thể góp ý, uốn nắn.

Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau. Nếu nhân sự được người đứng đầu giới thiệu có quá khứ và hiện tại tốt, nhưng lại dần tha hóa, biến chất trong tương lai, thì làm thế nào để xác định trách nhiệm của người giới thiệu, thưa ông?

Tương lai của một cán bộ là do chính con người đó chịu trách nhiệm. Đối với người đứng đầu đã tiến cử cán bộ đó thì cũng phải có trách nhiệm. Vấn đề là ở chỗ, người đứng đầu sẽ có nghĩa vụ, trách nhiệm như thế nào sau khi tiến cử cán bộ, thậm chí là lựa chọn và giới thiệu cán bộ cấp phó cho chính mình.

Phải chăng là tiếp tục có trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ, uốn nắn để cấp phó trưởng thành và nếu vi phạm khuyết điểm hoặc năng lực hạn chế, yếu kém, có biểu hiện suy thoái, thì phải kịp thời đề xuất xử lý, miễn nhiệm. Như vậy thì khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác vẫn phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ cấp phó mà mình đã tiến cử và có trách nhiệm phản ánh, báo cáo với cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ khi thấy cán bộ mình tiến cử có biểu hiện suy thoái, tiêu cực.

Phân tích để thấy, cốt lõi vẫn là vấn đề “người đứng đầu và mối quan hệ giữa người đứng đầu với tập thể lãnh đạo” trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Đây là vấn đề rất khó vì nó liên quan đến nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng không thể không xem xét, giải quyết cho thấu đáo để đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn. Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng ta, nhưng các nội dung của nó cần được cụ thể hóa một cách sáng tạo cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Cứ suy ngẫm lại những trường hợp Chủ tịch Hồ Chí Minh đề bạt, cất nhắc cán bộ mới thấy, Bác vận dụng tài giỏi, sáng tạo nguyên tắc này như thế nào.

Kỳ Thành thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục