Giá trị của cổ đông, một góc nhìn từ quản trị ngân hàng

(ĐTCK) Giá trị của cổ đông thường được nhìn nhận đơn giản với sự tăng trưởng của lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS), tài sản, doanh thu, lợi nhuận, cổ tức. Điều này là dễ hiểu trong điều kiện nền kinh tế phát triển ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế hiện nay tiềm ẩn nhiều bất ổn bao gồm các yếu tố bên trong nền kinh tế Việt Nam và tác động của tình hình kinh tế thế giới.
Trương Anh Hùng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, phụ trách khối Dịch vụ Tài chính Trương Anh Hùng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, phụ trách khối Dịch vụ Tài chính

Hãy khoan nói đến các yếu tố bên ngoài, chỉ xem xét các vấn đề bên trong của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh về tín dụng trong giai đoạn 2006 – 2010 (bình quân 33%) do áp lực tăng tổng tài sản và tăng vốn để đáp ứng quy định về vốn tối thiểu và kỳ vọng của cổ đông, cùng với sự gia tăng tín dụng vào một số ngành nghề bất lợi như bất động sản, vật liệu xây dựng… hoặc tài sản đảm bảo là bất động sản.

Như là một hệ quả về tích lũy rủi ro, từ năm 2011 đến nay, tình hình đảo ngược khi tín dụng tăng thấp và nợ xấu gia tăng dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng như sáp nhập/hợp nhất các ngân hàng/tổ chức tín dụng, thành lập VAMC để hỗ trợ xử lý nợ xấu, cho phép cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 23 tháng 4 năm 2012 (“Quyết định 780”)…

Một số ngân hàng lớn đã quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường tiêu chuẩn an toàn

Thời điểm này là thích hợp để các ngân hàng nhìn nhận giá trị của cổ đông đối với ngân hàng dưới một góc nhìn trong bối cảnh hiện nay và đâu là giá trị bền vững mà cổ đông của ngân hàng cần ưu tiên trong giai đoạn này?

Điểm qua báo cáo của các ngân hàng năm 2012, 2013 cũng như kế hoạch kinh doanh 2014 thì một số ngân hàng có lợi nhuận giảm trong khi tín dụng vẫn tăng, một phần do lãi suất thuần có thể tiếp tục giảm, nhưng trong đó hàm ý nhiều của việc chuẩn bị tiềm lực tài chính cho việc ứng phó với các yêu cầu gia tăng về an toàn vốn, xử lý nợ xấu và đầu tư chi phí vào xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế (Basel II). Điều này cũng được thể hiện rõ trong các khuyến cáo cũng như yêu cầu và quy định của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua như:

- Chỉ thị số 04/CT-NHNN của Thống đốc từ ngày 17 tháng 9 năm 2013 và Văn bản số 8986/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước ngày 29 tháng 11 năm 2013 về việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, không chia cổ tức nếu chưa dự phòng đủ;

- Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21 tháng 01 năm 2013 có hiệu lực từ 01/6/2014 với những ảnh hưởng làm tăng trích dự phòng rủi ro;

- Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18 tháng 3 năm 2014 thì siết chặt các điều kiện cơ cấu nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 23 tháng 4 năm 2012 (“Quyết định 780”) và việc cơ cấu nợ sẽ hết hạn vào cuối quý 1 năm 2015. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công khai số liệu cơ cấu nợ theo Quyết định 780 (theo họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 25/4/2014), nợ xấu nếu tính cả nợ cơ cấu lại theo Quyết định 780 là 9,71% tổng dư nợ;

- Dự thảo sửa đổi Thông tư thay thế Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20 tháng 5 năm 2010 về Tỷ lệ an toàn, Dự thảo Thông tư quy định về hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng;

- Văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc yêu cầu triển khai Basel II tại 1 số Ngân hàng…

Xét trên cả thực trạng của hệ thống ngân hàng cũng như các biện pháp đã và đang được cơ quan quản lý Nhà nước giám sát hoạt động ngân hàng thì chúng ta có thể thấy rõ sự ưu tiên nhất định cho các tiêu chuẩn an toàn hoạt động và quản trị rủi ro của ngân hàng.

Theo quan sát của chúng tôi, do nhu cầu nội tại của mình nên một số ngân hàng lớn đã quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường tiêu chuẩn an toàn đi cùng với các phương pháp quản lý tiên tiến hơn trong hoạt động ngân hàng, khẩn trương triển khai các dự án hiện đại hóa trong quản trị rủi ro và quản lý tài chính như: Basel II, Quản lý Tài sản – Công nợ (ALM), Quản lý điều chuyển vốn nội bộ (FTP), Phân tích lợi nhuận đa chiều (MPA)… Đây là những hệ thống/công cụ giúp cho ngân hàng lập kế hoạch kinh doanh, phân đoạn khách hàng, xác định giá bán (lãi suất và các điều kiện kèm theo) cho khách hàng một cách hiệu quả theo chiến lược của ngân hàng.   

Đối với các ngân hàng nhỏ hơn, trong khi chưa thể triển khai các dự án hiện đại hóa lớn về quản trị rủi ro và quản lý tài chính, các yêu cầu cốt yếu cần phải quan tâm là:

- Vốn tối thiểu: mặc dù có ngân hàng chưa phải bắt buộc triển khai, các ngân hàng nên từng bước đánh giá khả năng áp dụng tính mức vốn tự có cần thiết theo quy chuẩn Basel II trong đó có đo lường cả rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, xác định lộ trình triển khai Basel II trong thời gian tới. Cần lường trước các ảnh hưởng đến mức vốn tự có khi áp dụng Basel II để có sự chuẩn bị cần thiết về tiềm lực tài chính và năng lực của đội ngũ nhân sự trước khi triển khai.

Theo đó, ngân hàng cần xem xét lộ trình về các biện pháp nhằm tăng vốn tự có, cơ cấu lại danh mục tài sản nhằm giảm các tài sản rủi ro cao, từng bước tuyên truyền phổ biến, đào tạo cho đội ngũ quản lý và nhân viên của ngân hàng về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ theo hướng quy chuẩn Basel II cũng như các thông lệ quốc tế tốt nhất để cả hệ thống nhân sư của ngân hàng làm quen dần với văn hóa quản trị rủi ro mới…

- Một trong những hướng đi tích cực là tiếp tục tìm đối tác chiến lược cổ đông nước ngoài vừa có tiềm lực tài chính vừa có năng lực hỗ trợ triển khai Basel II và các phương pháp kiểm soát và quản lý tài chính hiện đại. Các cổ đông chiến lược này cần được xác định là động lực của sự thay đổi đối với Ngân hàng, tạo ra sự tương tác và thúc đẩy cần thiết đối với các cổ đông lớn hiện tại, nó vừa là sức ép để thay đổi vừa tạo nên sức mạnh của sự thay đổi.

Thực hiện điều này không dễ, tuy nhiên nếu nhìn con đường phía trước thì có thể nói là một trong những con đường tốt nhất. Các ngân hàng đã có cổ đông chiến lược nước ngoài thì việc tăng thêm vốn cho cổ đông nước ngoài đang bị giới hạn (20% cho một Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và tổng số 30% cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài), thì phải chờ đợi sự thay đổi chính sách của Nhà nước.

Hy vọng trong thời gian tới sẽ có những điểm mới khi Nhà nước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và hy vọng thị trường chứng khoán sẽ được chú trọng hơn nhằm nâng cao hơn huy động vốn từ thị trường chứng khoán hơn (quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán cuối năm 2013 tương đương 31% GDP), theo đó giảm dần sự phụ thuộc nhiều của nền kinh tế vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng như hiện nay.

- Ngân hàng vừa và nhỏ cũng cần xem xét kế hoạch kinh doanh, kế hoạch lãi và cổ tức cùng với kế hoạch dự phòng rủi ro trong giai đoạn vài năm tới, cân nhắc các kế hoạch đầu tư cho quản trị rủi ro và quản lý tài chính.  

Về phía chính sách của Nhà nước, chúng ta trông chờ vào những tín hiệu tích cực từ việc tái cấu trúc nền kinh tế, tăng cường cổ phần hóa và tăng cường vai trò cũng như năng lực huy động vốn của thị trường chứng khoán có thể làm giảm tương ứng về tỷ trọng vốn từ hệ thống tín dụng ngân hàng cũng như kỳ vọng về sự phục hồi sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp và nền kinh tế….

Tuy nhiên, sự tự thân vận động của từng ngân hàng là điều cốt yếu khi đã nhìn nhận rõ xu hướng của ngành và những ưu tiên của Cơ quan quản lý nhà nước.

Với tình hình hiện nay, mặc dù tín dụng vẫn tăng trưởng thấp, nợ xấu vẫn còn cao, tuy nhiên lạm phát kỳ vọng duy trì mức thấp, lãi suất có thể tiếp tục giảm, tỷ giá được kỳ vọng là ổn định, thanh khoản được đảm bảo là điều kiện bao gồm cả tích cực và tiêu cực để các ngân hàng cân nhắc trong việc thực hiện các mục tiêu ưu tiên năm nay và trong các năm tới.

Đối với các cổ đông đầu tư dài hạn thì hướng tới giá trị bền vững và họ kỳ vọng vào sự gia tăng giá trị của ngân hàng trong dài hạn, có thể kể đến là các chỉ tiêu an toàn tài chính, năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng, sức chịu đựng rủi ro của ngân hàng, khả năng thích nghi với sự biến động của môi trường kinh doanh và rủi ro kinh doanh…

Theo đó, khi nền kinh tế hồi phục và cất cánh cũng là lúc ngân hàng sẽ cất cánh nhanh nhất và mạnh nhất, và lúc đó là lúc cổ đông đầu tư dài hạn được hưởng lợi thích đáng.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Trương Anh Hùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục