Giá trị bền vững của Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc

Kỷ niệm 40 năm TP.HCM mang tên Bác (1976-2016) và 105 ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911-2016) là dịp để chúng ta tìm về nguồn cội những giá trị bền vững của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc.     
Bác Hồ gặp các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam tại Phủ Chủ tịch năm 1968. Bác Hồ gặp các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam tại Phủ Chủ tịch năm 1968.

Người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng, trên mảnh đất quê hương còn trong vòng thuộc địa, để rồi “ngày trở về chói lói cờ sao”, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 lịch sử. Từ Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Để có được nhận thức tư tưởng vĩ đại và ý chí sắt đá, khẳng định quyền tự do và độc lập cho dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phải trải qua hành trình trải nghiệm quốc tế lâu dài để tiếp thu và phát triển những tinh hoa cách mạng thế giới, cùng các giá trị trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với vận mệnh dân tộc trong hành trình đấu tranh cho khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”! đã trở thành chân lý của thời đại. 

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc bước lên vũ đài chính trị thế giới với việc đòi những quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam bằng sự kiện ngày 18/6/1919, Người gửi tới Hội nghị Versaille bản yêu sách của nhân dân An Nam “với những  yêu cầu rất ôn hòa cả về nội dung và hình thức”, theo cách nói của Người trong bài báo “Vấn đề dân bản xứ” mà Nguyễn Ái Quốc cho đăng trên báo chí Pháp thời kỳ đó, để bảo vệ các yêu cầu rất đúng đắn của nhân dân An Nam. Đứng trước những yêu cầu rất chính đáng đó, tác giả Nguyễn Ái Quốc tự cho đó “cũng là yêu cầu của chính mình trong một thời đại mà ý muốn của nhân dân là nắm quyền tự quyết”.

Đây là nhận thức ban đầu của Nguyễn Ái Quốc, khẳng định các quyền tự do của nhân dân An Nam là yêu cầu chính đáng của một dân tộc đã trở thành nhu cầu chung của của thời đại mới: thời đại mà ý muốn của nhân dân là nắm quyền tự quyết. Nhận thức về “ vấn đề dân bản xứ” có quyền đòi hỏi những yêu cầu chính đáng phù hợp với lẽ tự nhiên trong một thế giới còn có sự phân biệt đối xử với những con người ở các dân tộc khác nhau, giữa dân chính quốc và dân bản xứ, mà hai thái cực của nó là người Âu với người bản xứ có cả một vực thẳm cách biệt về vị thế xã hội.

Theo tác giả Nguyễn Ái Quốc thì “về hành chính và pháp lý: cả một vực thẳm cách biệt người Âu với người bản xứ. Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối; còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca; vì nếu anh ta dám phản đối thì anh ta liền bị tuyên bố là kẻ phản nghịch hoặc là một tên cách mạng, và anh ta bị đối xử đúng với tội trạng ấy”.

Chính vì mất hết các quyền tự do tối thiểu cho con người và đương nhiên cả quyền dân tộc tự quyết, cho nên theo tác giả, không ai có thể phủ nhận rằng, nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong, tiến hành bất cứ công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào.

Như vậy, việc đứng tên thay mặt những người yêu nước Việt Nam trong bản yêu sách của nhân dân An Nam cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện một lãnh tụ mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc với một tầm nhìn thiên tài về  cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong một thời đại mới, thời đại các dân tộc tự đứng lên giải phóng khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân đầy tham lam và tàn bạo.

Bằng lý luận sắc sảo và bằng sự lột tả hiện thực cuộc sống của nhân dân thuộc địa bị tước đoạt mất các quyền tự do cá nhân, quyền dân tộc tự quyết của họ bị thủ tiêu trong chế độ thực dân mà chủ nghĩa tư bản đã thiết lập trên hầu hết các xứ thuộc địa với lối cai trị bằng súng đạn, nhà tù và sự bóc lột trâng tráo mọi của cải và tài nguyên, đất đai, vốn của người bản xứ, nay rơi vào tay của những tập đoàn kẻ cướp dưới danh nghĩa những nhà khai hóa.

Từ yêu cầu chính đáng, thay mặt nhân dân An Nam, Nguyễn Ái Quốc chính thức yêu cầu Chính phủ Pháp phải đáp ứng các yêu cầu đó của dân bản xứ nhằm cải cách chế độ hành chính hiện hành. Một khi các yêu cầu đó không được đáp ứng cũng đồng nghĩa với cuộc đấu tranh cho quyền tự do của người bản xứ và quyền dân tộc tự quyết của họ sẽ không ngừng cho tới ngày thắng lợi.

Từ nhận thức sâu sắc của mình về chế độ thực dân, về yêu cầu giải phóng dân tộc và sự tự do cho nhân dân ở các dân tộc thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng soi đường cùng sự giúp đỡ có hiệu quả của Cách mạng Tháng Mười Nga và lãnh tụ Lênin, đã tạo ra bước ngoặt trên con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc.

Cùng với việc khảo sát qua tài liệu các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã phân biệt cách mạng chia thành hai dân tộc cách mạng và thế giới cách mạng. Người đã xác định cách mạng Việt Nam là dân tộc cách mạng: “Như An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly đuổi Nhật, Philíppin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình, ấy là dân tộc cách mệnh” (Hồ Chí Minh: Toàn tập)

Khái niệm dân tộc mà Hồ Chí Minh đề cập có nội hàm dân tộc quốc gia. Trong cuộc đấu tranh đòi quyền tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc thì mọi quyền lợi của các giai tầng trong xã hội đều phải đặt dưới lợi quyền quốc gia dân tộc. Năm 1941, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, trong bài Kính cáo đồng bào,  Người viết: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thẩy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng. Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đề cập quyền bình đẳng dân tộc, không chỉ cho dân tộc Việt Nam, mà còn cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định những giá trị chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng của các dân tộc và tiến trình đấu tranh vì nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên ngôn trước toàn thế giới về kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam khi khẳng định, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Thiên tài Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người sử dụng tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp, khẳng định quyền quyền bình đẳng, quyền tự do dân chủ cá nhân, để từ đó đi đến khẳng định quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam và tất cả các dân tộc trên thế giới. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn, trường tồn đối với tất cả các dân tộc yêu chuộng bình đẳng, tự do.

Trên hành trình tìm đường cứu dân cứu nước, Hồ Chí Minh hiểu hơn ai hết, một dân tộc không có quyền bình đẳng chủ yếu là do dân tộc đó mất độc lập. Vì vậy, theo Người, các dân tộc thuộc địa muốn có quyền bình đẳng thật sự thì phải tự đứng lên đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn cho dân tộc mình. Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải thể hiện trên các mặt chính trị, kinh tế, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ; trong đó, trước hết và quan trọng nhất là độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn về chính trị.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn bó với thống nhất đất nước, với khối đại doàn kết các thành phần dân tộc, các tôn giáo, các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đó là sự thống nhất lãnh thổ, thống nhất ý chí, thống nhất lực lượng của toàn dân vì sự nghiệp đấu tranh giành lại, bảo vệ và củng cố nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh phản ánh nguyện vọng sống tự do và công bằng một cách tự nhiên của dân tộc Việt Nam, cũng như ý nguyện ấy của mọi dân tộc đang bị chế độ thực dân, các đế quốc áp đặt. Giải phóng dân tộc là nguyện vọng cháy bỏng hơn bất cứ yêu cầu nào khác. Nó là điều kiện tiên quyết cho mọi quyền tự do, dân chủ của con người. chính vì vậy, khi Hồ Chí Minh giúp cho một dân tộc biết tự đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, thì với người dân thuộc địa, thật không có giá trị nào sánh nổi. Hơn thế, tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh còn thấm đượm khát vọng của nhân dân về tự do, độc lập, hạnh phúc và ấm no còn được thể hiện qua nhân cách của một con người vĩ đại, suốt đời mưu cầu cho tự do, hạnh phúc cho nhân dân; qua tư tưởng thiên tài về chính trị nhân dân trong một thế giới mà bạo lực và bóc lột của chủ nghĩa đế quốc còn đang hiện diện trên hầu khắp các lục địa trên thế giới.

Những cống hiến sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, cả thực tiễn và lý luận đã bổ sung cho kho tàng lý luận cách mạng thế giới, kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, cũng như truyền thống dựng nước và giữ nước đầy tự hào của dân tộc Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sự sáng tạo của Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc còn giúp dân tộc Việt Nam vững vàng, tự chủ trong hội nhập, phát triển toàn diện, đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của một đảng cách mạng do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Trần Văn Khôi (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục