Cơ hội săn mặt bằng giá rẻ
Ảnh hưởng của Covid-19 khiến không ít ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ kinh doanh thu hẹp hệ thống cửa hàng, tăng cường giao dịch online để giảm chi phí, nhưng ông Hoàng Phú Nam, một nhà đầu tư bất động sản thâm niên tại TP.HCM lại cho rằng, đây là thời cơ để chuyển sang xây dựng chuỗi hệ thống siêu thị trong lĩnh vực mỹ phẩm, vì ông đã tìm thuê được một số mặt bằng ưng ý, với giá cả hợp lý.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc neo giá thuê cao có thể dẫn tới tình cảnh ế ấm, đến khi cho thuê được giá ưng ý rồi thì cũng mất vài tháng, thậm chí cả năm nhà bỏ không, như vậy tính ra vẫn thiệt so với cho thuê giá hợp lý mà người thuê nhà chấp nhận được. Hơn nữa, mối quan hệ giữa người cho thuê nhà và người đi thuê là mối quan hệ cộng sinh, họ có làm ăn được thì mới tiếp tục thuê, bởi thế nếu người cho thuê chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, không chia sẻ khó khăn với người đi thuê thì sự hợp tác sẽ không bền
“Trong thời điểm này, nhiều người kinh doanh khó khăn, nhưng đối với ngành chúng tôi là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế kinh doanh do dịch bệnh. Giai đoạn này, khi nhiều người trả mặt bằng thì đây là cơ hội để tìm được những mặt bằng đẹp, giá phù hợp để chuẩn bị cho những cửa hàng mới, kế hoạch kinh doanh mới”, ông Nam nói.
Cùng người bạn đang có nhu cầu thuê mặt bằng để mở quán cafe, chúng tôi liên hệ một số điện thoại được in trên tấm bảng cho thuê nhà ở đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) và nhanh chóng được chủ nhà hẹn gặp trực tiếp. Ngôi nhà lớn nằm ngay mặt tiền khu phố Tây, ông Thành, chủ mặt bằng cho thuê đã chia làm hai căn nhỏ, mỗi căn diện tích 4,5 x 12 m, gồm một trệt, một gác lửng và hai lầu, vừa được sơn sửa lại.
“100 triệu đồng/tháng, đặt cọc trước 3 tháng, hợp đồng 3 năm”, ông Thành nói và nhấn mạnh, trước kia ở đây làm gì có giá thuê dưới 100 triệu đồng. Trước dịch, giá thuê căn như này là 150 triệu đồng/tháng, nhiều khi muốn thuê còn không được.
Nghe chúng tôi hỏi có thể giảm nữa không, ông Thành bảo: “Tôi đã bớt 10 triệu, giá cho thuê này là trung bình ở đây”. Thấy chúng tôi có vẻ chần chừ, ông Thành nói thêm: “Có sửa sang nhà thì tôi bớt chút cho”.
Chị Nguyễn Kim Oanh, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Cô Giang (quận 1) vừa “chốt đơn” đặt cọc để thuê căn nhà cấp bốn, diện tích 4x25 m, có gác lửng với giá 43 triệu đồng/tháng. “Mức giá này là khá mềm ở trung tâm thành phố. Bình thường, nhà mặt tiền quận 1 không dưới 50 triệu đồng/tháng. Giờ có chỗ ngon phải nhanh tay chốt liền, lỡ hết dịch giá tăng ào ào lại không thuê nổi”, chị Oanh cho biết.
Nhiều chủ vẫn neo giá cao
Trước đại dịch, những căn nhà mặt tiền, nhất là mặt tiền ở những tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3 sầm uất là cuộc giành giật giữa các nhà kinh doanh từ trà sữa, nhà hàng, quán cà phê đến thời trang, mỹ phẩm, dịch vụ làm đẹp... Giá cho thuê nhà phố tăng chóng mặt, tăng đến mức phi lý, có nơi lên tới cả ngàn USD/m2.
Khác với cách vận hành cho thuê mặt bằng bán lẻ trong những trung tâm thương mại, khi chính sách, giá thuê đã được thể hiện và niêm yết rõ, việc đi thuê nhà mặt tiền là giao dịch thuận mua vừa bán của từng người kinh doanh và chủ nhà. Bởi thế, có chủ nhà hạ giá cho thuê để lấy khách, nhưng nhiều chủ lại cố neo giá cao.
Một chủ nhà trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) có căn nhà 9x25 m, 1 trệt, 4 lầu, vẫn “hét” giá thuê 360 triệu đồng/tháng, ngang với khi trước dịch. Một căn khác, diện tích 5x20 m ở đường Đồng Khởi có giá tròn 100 triệu đồng/tháng.
Nhìn chung, tâm lý của đa số người kinh doanh là phải ở mặt tiền. Từ đó đã kéo theo một làn sóng đầu tư nhà mặt tiền để cho thuê, thậm chí là nhiều người sẵn sàng “đốt tiền” chỉ để sở hữu được mặt bằng đẹp, giá nhà mặt tiền cứ thế leo thang, đẩy giá thuê tăng ngất ngưởng, buộc người đi thuê phải chịu đựng gánh nặng phí mặt tiền.
Theo ông Trần Đình Huy, người sáng lập chuỗi nhà hàng Secret Garden và chuỗi cà phê Góc cho rằng, tuy bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhiều mặt bằng kinh doanh vẫn không giảm, giá vẫn rất “chát”. Các chủ mặt bằng kinh doanh bắt thóp việc khách thuê đã đầu tư rất nhiều tiền để sửa chữa nên không thể bỏ được.
“Có những mặt bằng mới mà chúng tôi đi khảo sát do chủ cửa hàng cũ trả lại, nhưng giá cho thuê vẫn rất cao, nếu tham chiếu lượng khách hàng ở một số cửa hàng mà chúng tôi đang có, thì với giá thuê đưa ra hiện nay không thể có lời được”, ông Huy chia sẻ.
Cũng theo ông Huy, việc mặt bằng tăng giá cao là do một thời gian rất dài, các thương hiệu trà sữa, các tập đoàn lớn gia nhập thị trường, họ đẩy giá mặt bằng lên, khiến cho các chủ mặt bằng bị “ảo giá”. Với tình hình kinh doanh bây giờ, người thuê bỏ công, bỏ tiền ra làm, nhưng lợi nhuận thu về chỉ đủ để nuôi chủ mặt bằng.
“Các chủ cho thuê mặt bằng phải nhìn vào một thực tế là các quỹ đầu tư, tập đoàn lớn đang dần rút khỏi thị trường sau một thời gian đốt tiền vào mặt bằng. Khi đã định vị được thương hiệu rồi, nên dần dần họ rút khỏi những mặt bằng lớn ở khu vực trung tâm”, ông Huy phân tích.
Cũng là một trong những doanh nghiệp nổi tiếng về chuỗi cafe, bà Lê Thị Ngọc Thủy, nhà sáng lập VIVA International cho rằng, trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19, nhiều người nghĩ xu hướng trả mặt bằng cao sẽ khiến giá thuê mặt bằng có xu hướng giảm, nhưng hầu như rất ít.
“Mặt bằng trả lại hàng loạt, nhưng chủ mặt bằng vẫn có suy nghĩ tình hình sẽ sớm ổn định nên họ không giảm, cố tình giữ giá đó lại. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn luôn trong tâm thế vừa xin giảm giá mặt bằng, vừa tìm thêm mặt bằng mới để phù hợp với chi phí trong giai đoạn dịch bệnh này”, bà Thủy nói.