Giá thức ăn chăn nuôi tăng đột biến: Đề xuất giảm thuế nhập khẩu để “hạ nhiệt”

0:00 / 0:00
0:00
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, giải pháp điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được đề xuất nhằm hạ nhiệt giá mặt hàng này.

Đà tăng giá chưa có hồi kết

Từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu như ngô, lúa mỳ, đậu tương liên tục tăng cao. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính bình quân 6 tháng đầu năm, giá ngô hạt tăng 35,1%; giá khô dầu đậu tăng 35,5%; giá cám mỳ tăng 32,8%; giá sắn lát tăng 19,2%; giá cám gạo tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Đà tăng giá của nguyên liệu đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm ở trong nước tăng 15 - 20% tùy từng thời điểm. Cụ thể, giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt hiện khoảng 10.785 đồng/kg (tăng 14,6%); thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu khoảng 10.885 đồng/kg (tăng 14,4%); thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng khoảng 11.206 đồng/kg (tăng 12,1%).

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, khoảng 45 - 50% trang trại gia cầm lớn đã phải “treo chuồng” và 70 - 75% gia trại, hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn.

“Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung sản phẩm gia cầm trong nước quý cuối năm”, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam lo ngại.

Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao chủ yếu do dịch Covid-19 tác động tới hệ thống logistics toàn cầu, khiến cước vận chuyển hàng hóa tăng giá mạnh. Bên cạnh đó, do sản xuất đang hồi phục tại nhiều quốc gia, nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thủy sản gần đây tăng kỷ lục. Ngoài ra, tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng.

Là quốc gia nông nghiệp, nhưng Việt Nam lại không tự chủ được các loại nguyên liệu như đậu tương, ngô, cám gạo… Mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu cần tới 27 triệu tấn các loại. Lượng nguyên liệu còn lại (70 - 80% tổng nhu cầu) phải nhập khẩu, nhất là các mặt hàng ngô, lúa mỳ, đỗ tương.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nguyên liệu thường chiếm 80 - 85% giá thành. Bởi vậy, giá thức ăn chăn nuôi dễ bị tác động dây chuyền khi nguồn cung nguyên liệu có biến động, dẫn đến rủi ro cao và sản phẩm chăn nuôi trở nên đắt đỏ, khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, năm 2019, Việt Nam chi 6,862 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2020, con số này là 7,162 tỷ USD.

Sáu tháng qua, theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trị giá 2,48 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu cộng cả dầu, mỡ động - thực vật, đậu tương, lúa mỳ, ngô…, thì tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này đã lên tới 5,83 tỷ USD.

Tìm giải pháp “hạ nhiệt”

Trước đà tăng giá chưa có hồi kết của thức ăn chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có công văn gửi cơ quan chức năng kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, Ủy ban Ngũ cốc Hoa Kỳ cũng có văn bản kiến nghị giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ xuống 0%. Tại cuộc họp cuối tháng 6/2021 với Bộ Tài chính, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ đề nghị giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng này để giảm giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ, mã HS 1001.99.99 từ 3% xuống 0%; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô, mã HS 1005.90.90 từ 5% xuống 3% nhằm góp phần giảm giá đầu vào với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong thời điểm khó khăn hiện nay, việc xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng lúa mỳ từ 3% xuống 0%, và ngô từ 5% xuống còn 3% là giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ doanh nghiệp và ngành chăn nuôi trong nước.

Dù vậy, trên bình diện chung, giá thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ chưa thể hạ nhiệt ngay. Những tháng còn lại của năm 2021, ngành chăn nuôi tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, giá nguyên liệu vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Ngay cả khi thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu ngô, lúa mỳ được giảm theo đề nghị của Bộ Tài chính, cũng chưa phải là cơ sở để đưa giá thức ăn chăn nuôi giảm nhanh, bởi đây chỉ là 2 trong các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất của mặt hàng này.

Cần phải nói thêm rằng, nhóm nguyên liệu khác như đậu tương, dầu mỡ động - thực vật cũng đang phải nhập khẩu phần lớn. Năm 2020, nước ta nhập đậu tương với kim ngạch 674 triệu USD, tăng 14,8% so với 2019; nhập dầu mỡ động - thực vật với kim ngạch 734 triệu USD, tăng 24,9%; nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu với kim ngạch 3,702 tỷ USD, tăng 3,7%...

Giải pháp được Cục Chăn nuôi khuyến cáo các doanh nghiệp trong giai đoạn này là cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước như khô dầu, hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo... nhằm thay thế nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục