Giá thịt gia súc, gia cầm khó biến động trong dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
Nguồn cung dồi dào, cả ở kênh nội địa lẫn nhập khẩu, nhu cầu không tăng là nguyên nhân khiến giá thịt không biến động trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Nguồn cung lớn, khiến giá các loại thịt trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần không tăng. Ảnh: Đức Thanh Nguồn cung lớn, khiến giá các loại thịt trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần không tăng. Ảnh: Đức Thanh

Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

Dù có nhích chút ít so với thời điểm đợt dịch lần thứ tư bùng phát, nhưng giá thịt trong những ngày giáp Tết Nhâm Dần vẫn khá ổn định, dự kiến khó biến động mạnh do nguồn cung trong nước cũng như nguồn nhập khẩu đều giữ ở mức cao.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), trong tháng Tết, nhu cầu thịt gà cần khoảng 110.000 tấn, thịt lợn cần khoảng 270.000 tấn, còn thịt bò là 30.000 tấn. Nguồn cung thịt hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Tổng đàn gia cầm của cả nước đạt trên 510 triệu con, tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tổng đàn lợn đạt khoảng 28 triệu con, đàn trâu, bò giữ ổn định ở mức trên 8,6 triệu con. Bộ NN&PTNT khẳng định, nguồn cung thịt đầy đủ, không lo khan hiếm.

Nửa đầu tháng 1/2022, giá lợn hơi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam duy trì ở mức 50.000 - 54.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng so với nửa cuối tháng 12/2021 khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg và tăng khá so với thời điểm xuống thấp do đợt dịch lần thứ tư bùng phát. Thời điểm tháng 9/2021, giá lợn hơi chỉ còn 40.000 - 42.000 đồng/kg mà rất khó tiêu thụ, nhiều hộ chăn nuôi phải chấp nhận bán dưới giá thành sản xuất.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, lệnh hạn chế di chuyển tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục tác động tới hoạt động vận chuyển và tiêu thụ thịt trong giai đoạn này. Cùng với sản lượng tiếp tục phục hồi, giá lợn hơi giảm trên cả nước. Trong quý III/2021, giá lợn hơi trung bình trên cả nước đã giảm mạnh 26,1 - 30%, sang quý IV vẫn giảm 15% so với cùng kỳ.

Giá thịt lợn tháng 12/2021 giảm 0,64% so với tháng trước và giá 15 ngày đầu tháng 1 vẫn giảm 25% so với cùng kỳ. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung đảm bảo, trong khi nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến lượng khách đến nhà hàng, quán ăn giảm, các bếp ăn tập thể đóng cửa, du lịch đình trệ…

Nguồn: Tổng cục Thống kê và Vụ Thị trường trong nước

Còn nhớ, dịp trước Tết Nguyên đán 2021, giá lợn hơi trên thị trường dao động từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg.

Nguồn cung dồi dào, sức mua không tăng đột biến là nguyên nhân khiến giá thịt không “nhảy múa” như nhiều năm. Đối với sản xuất trong nước, các trang trại, hộ chăn nuôi lợn và bò cũng chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra thị trường dịp cuối năm.

Ở kênh nhập khẩu, một lượng thịt rất lớn đã được nhập về để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Lượng thịt nhập khẩu cũng là nguyên nhân kìm giá lợn hơi trong nước.

Năm qua, Việt Nam chi một lượng ngoại tệ rất lớn để nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, với tổng trị giá ước khoảng 1,4 tỷ USD.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dù lượng thịt nhập khẩu những tháng cuối năm 2021 giảm đáng kể so với cùng kỳ, nhưng tính đến hết tháng 11/2021, Việt Nam đã nhập khẩu 672.630 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,29 tỷ USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Thịt nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 11/2021 có giá trung bình 2.298 USD/tấn (khoảng 53.000 đồng/kg), giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Công ty cổ phần Thương mại Xuân Phát (Hà Nội) cho hay, Công ty đã nhập đủ lượng thịt đông lạnh từ Nga, Ba Lan, Canada để cung ứng cho các khách hàng trong nước.

“Nguồn thịt nhập khẩu đều cố gắng bám sát vào các mã HS đang có ưu đãi thuế quan theo các FTA đã có hiệu lực như FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu, hay nhập từ Canada thì dựa vào CPTPP để có giá tốt nhất”, ông Đào Tuấn Khang, Giám đốc Công ty Xuân Phát nói.

Cầu chưa tăng

Giá lợn hơi được dự báo có thể tăng tiếp, nhưng sẽ không tạo ra cú sốc lớn và khó có thể vượt ngưỡng 65.000 đồng/kg do thị trường không có những cú hích dẫn dắt đà tăng. Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến giá là nhu cầu của người tiêu dùng phải tăng, nhưng Tết 2022 đã không xảy ra, thậm chí nhiều dự báo cho rằng, cầu tiêu dùng thịt sẽ giảm nhẹ do người dân thắt chặt chi tiêu sau 1 năm chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.

Dù trong hơn 1 tháng qua, các nhà máy chế biến thực phẩm tăng mua để sản xuất hàng thực phẩm cho mùa Tết và các doanh nghiệp lớn hồi phục sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng thịt trong chế biến suất ăn cho người lao động, nhưng so với cùng kỳ năm trước, cầu vẫn chưa trở lại, đặc biệt kênh tiêu thụ gồm nhà hàng, khách sạn, hệ thống trường học tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM vẫn đang nghỉ dịch.

Như thông lệ, lượng tiêu thụ thịt lợn, bò, gà sẽ tăng mạnh trong những ngày cận Tết, thường là tăng gấp đôi so với ngày thường. Từ các nhà bán lẻ đến tiểu thương kinh doanh tại các chợ dân sinh đều khẳng định, đã đảm bảo lượng hàng đủ cho sức tiêu thụ nóng lên những ngày cận Tết.

Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh, nhưng giá thịt các loại chỉ giảm thấy rõ ở các chợ truyền thống. Giá sườn loại 1 là 135.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 110.000 đồng, thịt thăn 110.000 đồng/kg… Giá thịt bán trong các hệ thống bán lẻ lớn như Winmart, Mail, Đà Lạt mart vẫn duy trì ở ngưỡng cao do sản xuất, tiêu thụ theo phải gánh thêm nhiều chi phí (điểm bán hiện đại, nhân sự, đóng gói…). Thịt nạc vai Meat deli tại Tiki 179.000 đồng/kg, ba rọi 230.000 đồng/kg…

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục