Giá tham chiếu trên sàn vàng: Mỗi nơi một vẻ

(ĐTCK) Đón cơn sóng lớn trên thị trường vàng thế giới, vào lúc 9h45 ngày 20/3, giá vàng trên Trung tâm Giao dịch vàng Việt Nam (VGB) khớp ở mức 20,095 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm đó, giá vàng tại sàn ACB khớp ở mức 20,005 triệu đồng/lượng; còn tại CTCP Vàng Châu Á khớp tại giá 19,988 triệu đồng/lượng... Hiện nay, có khoảng 15 sàn vàng đang hoạt động thì có 15 mức giá khớp khác nhau vào cùng thời điểm. Điều này dễ hiểu vì các sàn chưa liên thông và có cách tính giá tham chiếu riêng.
Việc “vênh” nhau về giá vàng giữa các sàn khiến NĐT có những chiến thuật đầu tư riêng. Việc “vênh” nhau về giá vàng giữa các sàn khiến NĐT có những chiến thuật đầu tư riêng.

Đa dạng giá

Ông Trần Nam Quốc, Trợ lý Tổng giám đốc, CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho biết, nhằm tạo tính thanh khoản cao và các mức giá đặt lệnh, khớp lệnh biến động liên tục, để các NĐT tham khảo xu thế biến động giá, VGB đưa ra giá tham chiếu thấp nhất và giá tham chiếu cao nhất. Tương ứng với từng dòng sản phẩm lại có cách tính giá tham chiếu riêng. Đối với sản phẩm vàng giao ngay có điều kiện (mã SJCcs), giá tham chiếu đầu ngày bằng giá vàng thế giới (theo www.easy-forex.com) nhân (x) 1,205656 nhân (x) tỷ giá USD/VND do VCB công bố hàng ngày. Cứ đầu mỗi phiên, giá tham chiếu thường dựa vào công thức trên. Tuy nhiên, với biên độ di chuyển là 5% so với giá khớp lệnh gần nhất, giá tham chiếu (giá cao nhất/giá thấp nhất) cũng thường xuyên thay đổi theo giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VND do VCB công bố. Với cách tính này, giá vàng khớp lệnh trên sàn VGB hầu như theo sát giá thị trường quốc tế.

Đối với sản phẩm giao dịch vàng tương lai/giao sau (future), giá tham chiếu chủ yếu dựa trên quan hệ cung - cầu vàng vật chất của vàng miếng SJC trên thị trường.

Ông Quốc cho biết thêm, giá tham chiếu được xem là cơ sở khi NĐT quyết định mức giá đặt lệnh trong phiên. Tại đó, NĐT có thể tính toán ngay được độ dao động của giá vàng có thể sẽ di chuyển ngay tới giá cao nhất hoặc thấp nhất nếu như 2 chỉ số (giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VND) thay đổi.

Ông Hoàng Thế Toàn, Giám đốc khối Nghiệp vụ CTCP Vàng phố Wall cho biết, tại sàn này có 3 mức giá để NĐT tham khảo. Giá mở cửa, giá tham chiếu và giá thế giới. Giá mở cửa là giá khớp đầu tiên của ngày giao dịch, giá tham chiếu lấy từ giá vàng vật chất do SJC đưa ra và giá thế giới đang giao dịch được quy đổi ra lượng. Do không có giá tham chiếu chuẩn tính trên cơ sở giá thế giới nên mỗi NĐT tại sàn này phải tự chọn giá tham chiếu riêng cho mình.

Còn tại sàn ACB, trước đây giá tham chiếu được đưa ra trên cơ sở tổng hợp giá của các thành viên (tổ chức) giao dịch tại sàn này. Tuy nhiên, hiện nay do có thêm nhiều NĐT nhỏ lẻ nên ACB chỉ yết giá mở cửa là giá khớp lệnh đầu ngày do người mua, người bán đưa ra. Do đó, giá vàng trên sàn này thường diễn biến không theo kịp giá vàng thế giới. Đơn cử, lúc 9 giờ sáng ngày 20/3, giá vàng trên sàn này giao dịch ở mức 20 triệu đồng/lượng, quy đổi giá vàng thế giới sang VND/lượng thì giá vàng trên sàn này thấp hơn thế giới 584.000 đồng/lượng.

Rủi ro khi không theo sát giá thế giới

Việc “vênh” nhau về giá vàng giữa các sàn khiến NĐT có những chiến thuật đầu tư riêng. Mặc dù chênh nhau chỉ khoảng trên 100.000đ/lượng, nhưng nếu có vốn lớn và linh hoạt trong xử lý thì NĐT vẫn có thể thu lợi lớn do sự vênh giá giữa các sàn mang lại. Chẳng hạn, một NĐT mở hai tài khoản tại hai sàn thường xuyên có mức giá chênh lệch lớn. Do được thực hiện nghiệp vụ bán khống nên nếu tại sàn A giá vàng cao thì họ thực hiện bán ra và sàn B giá thấp thì mua vào. Sau khi mua vào, họ sẽ thực hiện tất toán tài khoản tại sàn B và chuyển vàng sang trả tại sàn A. Tuy nhiên, thực hiện theo cách này NĐT chỉ thu được lợi nhuận khi giá vàng không quá biến động và việc thu phí rút vàng không quá cao.

Do chênh lệch giá giữa các sàn vàng trong nước không nhiều nên một số NĐT đã mở 2 tài khoản giao dịch, một tại sàn trong nước và hai là nước ngoài (thông qua một số  công ty có chức năng kinh doanh vàng quốc tế qua tài khoản). Nếu giá thế giới lên cao trong khi trong nước chưa điều chỉnh kịp, thì họ thực hiện việc bán khống tại sàn nước ngoài và mua lại trong nước. Cách làm này rủi ro rất cao, vì việc ủy thác tiền thông qua một trung gian, trong khi đó, theo quy định hiện nay NĐT cá nhân chưa được giao dịch vàng qua tài khoản tại sàn nước ngoài.

Trên thực tế, nguồn vàng trên thị trường Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc nhập khẩu nên giá vàng trong nước luôn biến động theo giá thế giới. Khi tham gia đầu tư vàng, NĐT thường phân tích các biến số kinh tế vĩ mô thế giới như: sức mạnh của đồng USD, giá dầu, các yếu tố địa chính trị… Ví dụ, vào ngày 18/3/2009, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố quyết định thu mua trái phiếu để bơm thêm tiền vào nền kinh tế làm cho đồng USD sụt giá mạnh so với các đồng tiền khác, khiến giá vàng thế giới tăng cao trở lại, từ 881 USD/ounce lên đến 946 USD/ounce. Vậy NĐT kinh nghiệm có thể dự đoán rằng, FED sẽ quyết định mua trái phiếu khi rõ ràng, một số NĐT đã thấy Chính phủ Anh và Nhật Bản trước đó đã thực hiện động thái này, cùng với kết quả cuộc họp của Nhóm các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 cam kết cùng nhau vực dậy kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái. Do đó, NĐT sẽ mở trạng thái mua. Và thực tế giá vàng thế giới đã tăng đúng theo dự đoán. Nhưng nếu lúc này giá vàng trên sàn trong nước không tăng thì sẽ gây ra quá nhiều rủi ro cho NĐT. Do vậy, những NĐT kinh nghiệm thường chọn những sàn vàng có cách tính và niêm yết giá sát với giá vàng thế giới.     

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ