Kết thúc quý đầu năm 2022, báo cáo tài chính của CTCP Superdong - Kiên Giang đã cho thấy, kết quả kinh doanh khả quan hơn, với doanh thu thuần đạt 84,2 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Ban lãnh đạo Công ty, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực, Covid-19 cơ bản được kiểm soát là nguyên nhân chính thúc đẩy kết quả kinh doanh tăng trưởng. Tỷ lệ khách lắp đầy/chuyến của quý I/2022 tăng 37% so với cùng kỳ 2021.
Sự gia tăng hiệu suất hoạt động cũng được đánh giá giúp biên lợi nhuận gộp của Công ty được cải thiện, bất chấp áp lực tăng giá nhiên liệu. Lợi nhuận gộp thu về trong quý I đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng, tăng 12% so với quý I/2021.
Trong kỳ, Công ty cũng tiết giảm các loại chi phí như chi phí bán hàng giảm 4,2%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16,5%. Qua đó, lợi nhuận sau thuế thu về 9,98 tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ 2021, chấm dứt chuỗi 3 quý thua lỗ liên tiếp, từ quý II đến quý IV/2021.
Trước đó Superdong - Kiên Giang đã báo lỗ đến 38,5 tỷ đồng trong năm 2021, là năm báo lỗ đầu tiên từ khi đi vào hoạt động. Năm 2020, Công ty cũng ghi nhận lợi nhuận giảm 78%, với 1 quý thua lỗ và 1 quý gần như hòa vốn.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Ban lãnh đạo Superdong - Kiên Giang đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay ở mức 361,15 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp đôi so với thực hiện trong năm 2021, kế hoạch lợi nhuận sau thuế có lãi trở lại với 18,5 tỷ đồng.
Đây được đánh giá là kế hoạch khá thận trọng của Ban lãnh đạo Công ty. Với việc đã thực hiện được 23% mục tiêu doanh thu và 54% mục tiêu lãi sau thuế 2022, Superdong - Kiên Giang được dự báo hoàn toàn có khả năng về đích kế hoạch lợi nhuận chỉ sau nửa đầu năm trong bối cảnh mùa cao điểm kinh doanh quý II vừa qua có nhiều thuận lợi với lưu lượng khách du lịch tăng cao trong các dịp như Giỗ tổ Hùng Vương, kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và đặc biệt trong dịp nghỉ hè khi lượng khách đến Phú Quốc tăng khá mạnh.
Mặc dù điều kiện kinh doanh đã thuận lợi hơn đáng kể nhờ sự phục hồi của nền kinh tế hậu Covid-19, hoạt động du lịch đang sôi động, là tiền đề quan trọng cho các doanh nghiệp có đối tượng phục vụ chủ yếu là khách du lịch như Superdong - Kiên Giang tăng trưởng.
Tuy vậy, sự thận trọng trong kế hoạch đề ra của Ban lãnh đạo Công ty cũng có cơ sở trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao suốt từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, ngay từ đầu năm 2022, giá hợp đồng tương lai dầu Brent và WTI đã liên tục tăng do phục hồi về nhu cầu của nền kinh tế thế giới sau dịch bệnh. Xung đột Nga - Ukraine càng tạo thêm áp lực tăng giá các mặt hàng năng lượng và đẩy giá các loại dầu này vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng, có lúc chạm đến 130 USD/thùng. Giá dầu thế giới tăng, kéo theo xu hướng tăng giá của các sản phẩm xăng, dầu trong nước, trong đó có giá dầu diesel (DO) nguyên liệu vận hành chính của các tàu, phà của Công ty. Theo công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), giá dầu diesel 0.05S bán ra tại vùng 1 sau kỳ điều chỉnh cuối tháng 6/2022 là 30.010 đồng/lít, tăng đến 70% so với mức giá thông báo vào kỳ điều chỉnh cuối cùng của năm 2021.
Chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 40-50% trong cơ cấu giá vốn của Superdong - Kiên Giang, nên việc giá dầu DO tăng được đánh giá sẽ tác động mạnh đến biên lợi nhuận trong bối cảnh sức cầu mới hồi phục và tình hình cạnh tranh trên các tuyến vận tải khiến Công ty gặp khó khăn để chuyển áp lực tăng chi phí đầu vào sang giá vé, dù Công ty cũng đã nỗ lực tìm các giải pháp ứng phó như bố trí lịch chạy phù hợp hơn để kiểm soát chi phí dầu.
Bên cạnh áp lực tăng chi phí nhiên liệu, áp lực cạnh tranh cũng là một rào cản đối với sự phục hồi của Superdong - Kiên Giang.
Các tuyến vận tải chính của Công ty như Rạch Giá - Phú Quốc và Hà Tiên - Phú Quốc đang chịu áp lực cạnh tranh tương đối lớn. Thực tế, doanh thu của 2 tuyến này đã sụt giảm từ cả giai đoạn 2019 trở về trước, khi dịch bệnh còn chưa xuất hiện.
Theo Ban lãnh đạo Superdong - Kiên Giang, Công ty đang đầu tư 2 phà cao tốc, do Công ty Kaibouk Shipyard (M) SDN. BHD của Malaysia đóng.
Phà cao tốc cho tuyến Rạch Giá - Phú Quốc đã đóng xong, nhưng chưa thể đưa về khai thác do chậm tiến độ đầu tư nâng cấp cầu cảng ở Rạch Giá. Vì lý do này mà hiện nay, cảng chỉ đón phà loại tiêu chuẩn cũ.
Phà cao tốc thay thế cho tàu cao tốc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến máy móc, trang thiết bị không được bàn giao đúng hạn, việc kiểm định tàu bị ảnh hưởng.