Giá nhà tại Auckland, nơi sinh sống của 1/3 trong số 4,7 triệu dân New Zealand, đã tăng 16% trong tháng 8 so với cùng thời gian năm ngoái và tăng 6,1% trong 3 tháng qua, theo số liệu được công bố đầu tháng 9 bởi hãng nghiên cứu bất động sản nhà nước Quotable Value. Mức giá nhà hiện tại đã tăng 86% kể từ năm 2007.
Tình trạng nhập cư ngày càng tăng, lãi suất ngân hàng ở mức thấp bởi chính sách nới lỏng tiền tệ và nguồn cung nhà có giới hạn, là các nguyên nhân chính đẩy thị trường nhà ở Auckland tăng trưởng nóng, đồng thời biến khu vực này thành “quả bom” có khả năng gây tác động tới thị trường bất động sản toàn quốc.
Hiện tại, trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp nhất kể từ năm 1999, Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) không thể nâng lãi suất cho vay trong nước, đồng nghĩa với việc nguồn tiền chi phí rẻ thúc đẩy hơn nữa quá trình tăng giá nóng của thị trường bất động sản tại đây. Mặc dù vậy, RBNZ đã thực hiện một số giới hạn trong cho vay, tập trung vào đối tượng đầu tư bất động sản nhằm nỗ lực kiềm chế nhu cầu.
Theo đó, tháng 10/2013, RBNZ yêu cầu các nhà băng hạn chế cho vay với những khách hàng có tài sản thế chấp nhỏ. Tiếp sau, vào tháng 11/2015, RBNZ tiếp tục thắt chặt hơn các điều kiện cho vay với đối tượng là nhà đầu tư tại Auckland.
Tháng 7/2016, RBNZ thông báo thêm các quy định nghiêm ngặt nhằm mở rộng hơn nữa tác động của các chính sách trước đó, với yêu cầu nhà đầu tư cả nước buộc phải có tài sản thế chấp trị giá ít nhất 40% giá trị bất động sản định đầu tư mới được vay tiền. Các biện pháp này ban đầu có tác động hạn chế bớt các khoản vay nhằm mục tiêu đầu tư tại thị trường bất động sản, nhưng hiện tại dần mất đi hiệu quả, buộc các nhà băng phải thiết lập các quy tắc mới.
Bên cạnh đó, các nhà băng phải chuẩn bị thêm một số giải pháp trong trường hợp RBNZ buộc phải hạ thêm lãi suất nhằm thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Thống đốc RBNZ Graeme Wheeler đang đưa ra chính sách giới hạn khoản vay trên thu nhập, có thể được áp dụng trong năm tới. Theo đó, các nhà băng phải chú ý hơn tới khả năng trả nợ của người vay trước khi chấp nhận khoản vay.
Bên cạnh các biện pháp thắt chặt khoản vay, chính quyền New Zealand cũng thúc đẩy hoạt động xây dựng nhà ở mới nhằm xoa dịu vấn đề thiết hụt nguồn cung. Tuy nhiên, với nhu cầu nhà ở ở mức cao, lãi suất ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, ít có khả năng giá nhà sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.
Chưa kể, giá nhà tăng trưởng nóng tại Auckland đang lan dần tới các khu vực xung quanh. Theo đó, giá nhà tại Hamilton đã tăng 29% trong năm qua, trong khi giá nhà tăng Queenstown tăng trưởng 27%, theo số liệu của Chính phủ New Zealand.
Gareth Robin, nhà môi giới bất động sản tại Wellington cho biết, trong 6 tháng qua, anh nhận được cuộc gọi từ nhà đầu tư Auckland nhiều hơn 6 năm qua công lại. Với việc giá nhà tại Aukland tăng mạnh, nhà đầu tư tại đây bắt đầu tìm kiếm các cơ hội ở vùng đất lân cận và có họ có khả năng mua được bất động sản tốt hơn so với khu vực trung tâm.
Trung bình, giá nhà trung bình tại New Zealand đã tăng 14,6% trong tháng 8/2016 so với năm trước đó.
Thực tế, New Zealand không phải quốc gia duy nhất phải áp dụng nhiều biện pháp mới để cố hạ nhiệt thị trường nhà ở.
Chẳng hạn, chính quyền tỉnh British Columbia (Canada) đã áp thuế 15% đối với người mua nhà nước ngoài sau khi giá nhà trung bình tại TP. Vancouver tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com