Giá nguyên liệu tăng, doanh nghiệp săm lốp chịu thiệt

(ĐTCK) Giá cao su thiên nhiên bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2016 đến nay là yếu tố bất lợi lớn đối với doanh nghiệp sử dụng cao su như nguồn nguyên liệu đầu vào, điển hình là doanh nghiệp sản xuất săm lốp. 
Giá cao su tăng lên đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp sử dụng cao su là nguyên liệu đầu vào Giá cao su tăng lên đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp sử dụng cao su là nguyên liệu đầu vào

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc khiến doanh nghiệp nội địa không còn con đường nào khác ngoài việc giảm giá bán, tạo thách thức không nhỏ để hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm nay.

Lợi nhuận bị ăn mòn

Theo báo cáo tài chính quý I/2017 của Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM), kết thúc quý I/2017, Công ty đạt 756 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 8,6%, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 28,8 tỷ đồng, giảm hơn 113% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh, theo CSM, là do giá nguyên liệu đầu vào tăng kéo theo giá thành sản phẩm, dẫn đến doanh thu tăng lên nhưng lợi nhuận giảm sút đáng kể.

Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc CSM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, giá hầu hết các nguyên liệu đầu vào ngành săm lốp đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, giá cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp tăng từ 80% - 100%. Các nhóm vật tư như than đen, vải mành, thép tanh, bố thép tăng bình quân 18% - 25%.

Không riêng CSM, biến động giá nguyên vật liệu đầu vào đã khiến lợi nhuận quý I/2017 của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) sụt giảm đáng kể.

Giá nguyên liệu tăng, doanh nghiệp săm lốp chịu thiệt ảnh 1

 Giá cao su thiên nhiê  tăng từ 80% - 100% so với cùng kỳ năm 2016

Kết thúc quý I/2017, DRC đạt 933 tỷ đồng doanh thu, tăng 18,4%, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng, giảm hơn 26% so với cùng kỳ năm 2016.

Với tốc độ tăng giá trên, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán để đảm bảo khả năng sinh lời.

Tại CSM, ông Phú cho biết, Công ty đã thực hiện điều chỉnh tăng giá bán nhiều lần nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng của giá nguyên liệu đầu vào. Tính từ đầu năm đến nay, CSM đã thực hiện 3 đợt tăng giá bán, tổng mức tăng 15%.

Việc điều chỉnh giá một mặt khiến doanh thu tăng nhưng cũng tạo thế khó cho doanh nghiệp, bởi việc đàm phán tăng giá đối với khách hàng không phải chuyện dễ dàng.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, việc cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ, khiến doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh giá để đảm bảo thị phần hiện có.

Kẻ tự tin, người thận trọng

Dù diễn biến tăng giá của cao su thiên nhiên đã chững lại, nhưng nhu cầu tiêu thụ dự báo sẽ tiếp tục tăng nên giá loại nguyên liệu này khó có thể giảm xuống.

Trên cơ sở đó, Đại hội đồng cổ đông năm 2017 của CSM đã thông qua kế hoạch doanh thu 3.304 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 340 tỷ đồng.

Dù vậy, theo ông Phú, đây là chỉ tiêu “cực kỳ thách thức” và nếu căn cứ tình hình thực tế hiện nay, lợi nhuận có thể đạt được chỉ ở mức 260 tỷ đồng.

Trong khi CSM tỏ ra khá thận trọng với kế hoạch kinh doanh thì DRC lại thể hiện sự tự tin khi đề ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 7% và 9% so với thực hiện năm 2016.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), kế hoạch doanh thu tăng 7% của DRC là có cơ sở, bởi việc tiêu thụ sản phẩm lốp radial sẽ đóng góp đáng kể vào doanh thu chung.

Theo đó, doanh thu từ lốp radial tăng mạnh 38,7% so với cùng kỳ năm 2016 nhờ nhu cầu sử dụng để thay thế lốp bias, trong khi giá lốp bias cũng đã tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận khó lòng đạt được, bởi lợi nhuận quý I/2017 của DRC giảm mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Một trường hợp đáng chú ý khác là Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC). Khác với CSM hay DRC, SRC có thị phần nhỏ hơn và tập trung hoạt động tại thị trường miền Bắc.

Công ty đang được nhà đầu tư kỳ vọng từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất, vốn là nhà máy của SRC tại đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Vàng - Hoành Sơn.

Mặc dù chủ trương di dời đã được cổ đông lớn là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chấp thuận, nhưng tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông mới đây, đại diện của SRC cho biết, Công ty chưa thể trình cổ đông chủ trương này do chờ ý kiến từ Bộ Công thương.

Thực tế, SRC đã nhận trước 143 tỷ đồng trong 435 tỷ đồng Công ty Hoành Sơn dự kiến hỗ trợ cho SRC trong công tác di dời nhà máy và hiện chưa thể hạch toán vào báo cáo tài chính của Công ty. Đại diện SRC cho biết, việc hạch toán dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2019, sau khi việc di dời hoàn tất.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục