Già néo lãi suất

(ĐTCK) Thiếu vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng đã làm đủ mọi động tác để tăng lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, nhưng có vẻ như điều này là chưa đủ với người gửi tiền.

Trong cuộc tọa đàm giữa ngân hàng với doanh nghiệp cách đây hai tuần, trong một ý kiến của doanh nghiệp gửi lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã được bắt đầu bằng nhận định: "Ngân hàng là người bạn đồng hành của doanh nghiệp…". Ông Giàu đã có một nhận định bông đùa ngay sau khi đọc rằng, không biết đây là một câu khen hay một câu trách…

Ngay từ đầu tháng 5, những thông tin về một động thái tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đã lan truyền trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, không biết có phải vì muốn khẳng định lại cam kết hỗ trợ tối đa đối với giới doanh nghiệp hay không mà cơ quan này đã quyết định giữ mức lãi suất cơ bản 7% trong tháng 6/2009.

Nhắc lại một chút về cuộc tọa đàm, ngoài những ý kiến về chương trình hỗ trợ lãi suất, nhiều doanh nghiệp đã nêu ý kiến rằng, mức lãi suất hiện nay vẫn còn cao so với các nước khác. Dù mức lãi suất hiện nay đã thấp hơn rất nhiều so với đỉnh của năm 2008 sau nhiều nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, nhưng so với các nền kinh tế trong khu vực như Singapore hay Trung Quốc, lãi suất của các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu vẫn là cao hơn.

Phải khẳng định rằng, cơ quan quản lý muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với giá rẻ hơn nữa. Tuy nhiên, đâu phải muốn là được. 

Các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ còn chờ lãi suất cơ bản tăng trở lại để có thể mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất huy động, qua đó sẽ phải tăng lãi suất cho vay. Họ cũng có những vấn đề trong huy động vốn.

Hiện nay, người gửi tiền chủ yếu chọn kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Thiếu vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng đã làm đủ mọi động tác để tăng lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, nhưng có vẻ như điều này là chưa đủ với người gửi tiền. Những bài học trong năm 2008 khi lãi suất theo chiều hướng tăng vẫn còn đó. Hẳn ít người muốn gửi tiền dài hạn trên 12 tháng hôm nay, để rồi sau đó một tháng phải hối tiếc vì lãi suất đã tăng cao hơn.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã bán được tới trên 1.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 8,2%/năm nhưng chủ yếu là từ các tổ chức đầu tư. Còn các kỳ hạn dài hơn thì rất khó bán, lãnh đạo ngân hàng này cho biết.

Trong khi đó, nhu cầu vay vốn trung - dài hạn của doanh nghiệp đang tăng sau khi Chính phủ mở rộng gói kích cầu lãi suất áp dụng cho khoản vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, không thể huy động từ người gửi tiền các khoản trung, dài hạn, thì dù ngân hàng có cố "làm người bạn đồng hành của doanh nghiệp" cũng chỉ có cách tăng cả lãi suất huy động và cho vay.

Thực ra, nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết, sau khi giảm lãi suất cơ bản từ 8,5% xuống 7% từ đầu tháng 2/2009, tới đầu tháng 3, một cú "cắt" xuống 6 - 6,5% vẫn chấp nhận được. Khi đó, cung - cầu vốn của ngân hàng cho phép điều đó. Tuy nhiên, cơ hội đó đã qua.

Việc tăng lãi suất cơ bản hiện nay có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Tăng lãi suất cơ bản nghĩa là cho phép tăng lãi suất huy động và cho vay còn liên quan tới việc huy động tiền qua phát hành trái phiếu chính phủ. Như ĐTCK đã đề cập trước đây, phát hành trái phiếu chính phủ đang "tắc" và theo nguồn tin của chúng tôi, có thể các tổ chức phát hành sẽ phải chấp nhận trả các mức lãi suất cao hơn trong những đợt phát hành tới đây.

Nếu điều này xảy ra, đương nhiên phải chấp nhận tăng lãi suất huy động/cho vay trên thị trường, nếu không thì ngân hàng sẽ bớt mặn mà với việc cho vay doanh nghiệp. Mức lãi suất cơ bản 7% đã được "néo" 5 tháng và có lẽ thế đã là nhiều!

Vũ Giang
Vũ Giang

Tin cùng chuyên mục