Kế hoạch kinh doanh cao, nhưng giá giảm
Tại thời điểm 14/3, vốn hóa thị trường của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đạt hơn 5.460 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM, giá cổ phiếu MPC kết phiên 14/3 đạt 91.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 18% so với mức giá cao nhất đạt được vào thời điểm Đại hội đồng cổ đông (xấp xỉ 112.000 đồng/cổ phiếu), tức chỉ sau 3 phiên giao dịch.
Điều gì khiến cổ phiếu MPC giảm, trong khi năm nay, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh với mức lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận sau thuế 1.170 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2017?
Để tìm câu trả lời, hãy cùng xem kế hoạch phát hành tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng của MPC. Năm 2017, MPC đạt lợi nhuận sau thuế 714 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu đạt 10.200 đồng. Ở mức thị giá hiện tại, chỉ số P/E 4 quý gần nhất của MPC đạt hơn 9 lần. Tuy nhiên, với kế hoạch lợi nhuận dự kiến trong năm 2018, tương ứng với vốn điều lệ mới 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phần của MPC giảm khá mạnh, chỉ còn 5.850 đồng.
Như vậy, chỉ số P/E dự phóng 2018 của MPC là 15 lần. Mức này không còn hấp dẫn nếu so với các doanh nghiệp thủy sản đầu ngành trong nước, cũng như một số công ty cùng quy mô trong khu vực. Mặt khác, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu MPC tại thời điểm 31/12/2017 đạt 34.579 đồng/cổ phiếu, ở mức thị giá hiện tại, P/B của MPC đang ở mức 2,6 lần.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, thị giá của MPC sẽ khó giảm mạnh cho đến thời điểm bị pha loãng bởi lượng cổ phiếu phát hành thêm, khi thực tế hiện nay thanh khoản rất hạn chế. Chẳng hạn, phiên 14/3, MPC hầu như không có giao dịch. Bình quân 30 phiên giao dịch gần nhất, thanh khoản của MPC chỉ hơn 2.000 đơn vị/phiên.
Cơ cấu cổ đông cô đặc khiến thanh khoản MPC kém sôi động. Mặt khác hầu hết các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu MPC ngoài cổ đông nội bộ đều là các quỹ đầu tư tổ chức với định hướng đầu tư lâu dài tại MPC. Tính đến ngày 30/3/2017, trong cơ cấu cổ đông, ngoài cổ đông nội bộ công ty chiếm hơn 64%, Quỹ Đầu tư Việt Nam (VIF) và Earls Court Enterprises Limited lần lượt sở hữu 6,69% và 9,61% vốn MPC.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MPC, việc tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng bao gồm phát hành cổ phiếu chia cổ tức, chia cổ phiếu thường của cán bộ chủ chốt Công ty và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, ngoài mục tiêu cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn cho đầu tư, còn nhằm mục đích cải thiện thanh khoản cổ phiếu, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
“Việc tăng vốn sẽ thực hiện trong năm nay, đồng thời với việc niêm yết”, ông Quang nói thêm.
Cần chính sách phát triển vùng nguyên liệu tôm
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng cách chênh lệch giữa giá nguyên liệu nuôi tôm trong nước so với một số quốc gia xuất khẩu tôm trong khu vực đã hẹp dần, chênh lệch chỉ khoảng 12%, trong khi năm 2016 chênh lệch 30% và năm 2017 giảm xuống còn 20%. Điều này đồng nghĩa lợi nhuận của MPC có cơ hội tăng.
Năm 2018, MPC lên kế hoạch đầy tham vọng, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD. Áp lực hoàn thành mục tiêu này là không nhỏ. MPC buộc phải mở rộng công suất kịp thời để gia tăng năng lực sản xuất, vì hiện nay công suất đã gần như lấp đầy. Chính vì vậy ĐHCĐ MPC đã thông qua phương án đầu tư vào dự án mở rộng công suất Nhà máy Minh Phú Cà Mau với công suất bổ sung 30.000 tấn/năm.
Tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tự có của MPC góp 30%, còn lại 70% là vay nợ. Dự án này kỳ vọng sẽ giúp MPC giải bớt áp lực về sản xuất trước nhu cầu tiêu thụ và mục tiêu sản lượng đề ra.
Nguồn vốn thực hiện trong bối cảnh áp lực lãi vay đang là bài toán đặt ra với MPC. Tính đến ngày 31/12/2017, MPC có tổng tài sản hơn 9.497 tỷ đồng, trong đó 8.026 tỷ đồng, tương đương 84% tổng tài sản là tài sản ngắn hạn. Tổng nợ vay của MPC là 6.506 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn 4.398 tỷ đồng, tương đương hơn 67%, áp lực lãi vay đối MPC đang hiển hiện.
Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là hơn 2,6 lần. Điều này cũng lý giải một phần tại sao MPC chưa thể chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đồng trong năm nay, vì cân đối tài chính đang là vấn đề mà doanh nghiệp cần ưu tiên. Bên cạnh đó, dù đã giảm được chi phí giá nguyên liệu đáng kể, nhưng thực tế, giá thành nuôi tôm của Việt Nam vẫn đang cao so với khu vực.
“Ngành tôm Việt Nam sở hữu công nghệ chế biến đứng đầu thế giới, bao gồm dây chuyền, máy móc, kinh nghiệm công nhân, nhưng chỉ có vấn đề nguồn cung nguyên liệu chưa đáp ứng nhu cầu nhà máy. Khi nguồn cung không đủ cung ứng thì doanh nghiệp không thể tối đa hóa công suất hoạt động để tiết giảm chi phí”, ông Quang nói.
Mặt khác, giá nuôi tôm cao là do hiện nay lượng nông dân nuôi tôm không nhiều. Từ sau khủng hoảng của ngành tôm những năm 2011-2016, nhiều nông dân bỏ nghề không nuôi và chuyển sang nuôi trồng các loại nông thủy sản khác. Đáng chú ý, dù muốn nuôi lại, nhưng sau thua lỗ, nhiều nông dân không còn vốn để nuôi.
“Thực tế, chỉ còn có lời 30% là nông dân sẽ nuôi, do đó cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng. MPC đang đề xuất để sử dụng hỗ trợ tín dụng cho vùng nuôi công nghệ cao 10.000 ha tại Kiên Giang theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 100% vốn. Việc áp dụng công nghệ có thể giúp tăng năng suất nuôi trồng và hiệu quả cho doanh nghiệp chế biến”, ông Quang chia sẻ.