Giả mạo chữ ký khách hàng, xử lý thế nào?

(ĐTCK) Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) vừa xảy ra vụ việc một đại lý của nhà bảo hiểm nhân thọ đã giả mạo chữ ký khách hàng để chiếm đoạt hợp đồng bảo hiểm của đại lý khác. Xung quanh hành vi này, ĐTCK có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng.
Giả mạo chữ ký khách hàng, xử lý thế nào?

Vụ giả mạo chữ ký khách hàng tại Manulife cho thấy công tác quản trị nhân sự còn có vấn đề

Ông đánh giá thế nào về hành vi giả mạo chữ ký người khác? Có lẽ dù là với mục đích gì, đã gây thiệt hại hay chưa thì đây cũng là hành vi nguy hiểm.

Tôi có nghe về vụ việc một đại lý của bảo hiểm Manulife giả mạo chữ ký của khách hàng để chiếm dụng hợp đồng của một đại lý khác.

Theo quan điểm của tôi, với tư cách của một người làm công tác pháp luật, thì bất cứ hành vi giả mạo, gian dối nào có mục đích xấu thì đều vi phạm pháp luật và không thể chấp nhận được về mặt đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp.

Vụ việc này chắc chắn khiến uy tín của bảo hiểm Manulife bị ảnh hưởng, quyền lợi của khách hàng bị xâm hại, vì mục đích khách hàng muốn tham gia bảo hiểm thật của Manulife thì chưa được xác lập bằng hợp đồng thật, mất đi cơ hội và thời gian của khách hàng.

Trong nhiều trường hợp, thiệt hại của khách hàng có thể sẽ rất lớn nếu như đại lý bảo hiểm nhằm vào khách hàng.

 

Vậy hành vi giả mạo chữ ký có thể bị xử lý ra sao? 

Trường hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật, hoặc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc chứng minh được rằng, đi kèm với với hành vi giả mạo chữ ký có cả hành vi chiếm đoạt tài sản (của khách hàng hoặc của đại lý bị chiếm dụng hợp đồng) thì hành vi phạm tội đã xảy ra.

Khách thể bị xâm phạm tới là tài sản của khách hàng, hoặc đại lý bị chiếm dụng, nếu số lượng về tiền, tài sản mà đủ lớn theo luật định thì phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Trường hợp chưa đủ lớn để xử lý hình sự thì các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xử lý hành chính. Mức tiền xử phạt vi phạm hành chính phụ thuộc vào tính chất cũng như mức độ của hành vi vi phạm và tùy thuộc việc giả mạo chữ kí trong từng lĩnh vực cụ thể.

 

Pháp luật quy định các mức xử lý cụ thể như thế nào, thưa ông?

Hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm bị phạt từ 10-15 triệu đồng được quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Như vậy, giả mạo chữ ký dùng vào những trường hợp và mục đích nhất định, có thể bị xử lý hình sự, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Bảo hiểm Manulife chắc chắn sẽ có biện pháp để thực hiện quy trình xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất theo quy định của quy trình tác nghiệp và Nội quy lao động của doanh nghiệp đối với đại lý vi phạm.

 

Qua vụ này, ông nhìn nhận thế nào về rủi ro trong quản trị nhân sự tại các DN? Nếu khách hàng phải chịu thiệt hại thì pháp nhân có phải chịu trách nhiệm liên đới không?

Quản trị nhân sự nói chung của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa coi trọng quản trị nhân sự, mà chỉ chú trọng vào hoạt động kinh doanh sinh lời.

Ở khối doanh nghiệp nước ngoài, công tác này thường tốt hơn, nhưng vụ việc ở Manulife cho thấy, dù sao vẫn có những vấn đề tồn tại, nhất là với những nhà bảo hiểm bán hàng qua mạng lưới hàng nghìn đại lý. Theo tôi, quản trị nhân sự là một lĩnh vực hết sức quan trọng, hết sức khó, bởi đó chính là yếu tố con người.

Trong vụ việc Manulife, công tác quản trị nhân sự trong hoạt động vẫn còn có vấn đề. Nếu các quy trình, nội quy quản lý của Manulife tốt, chặt chẽ, người điều hành quản lý được hết công việc thì không thể xảy ra hiện tượng giả mạo như trên.

Trường hợp nếu khách hàng bị thiệt hại, cá nhân đại lý giả mạo chữ ký sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Tuy nhiên, trách nhiệm liên đới của Manulife không thể không có, nhưng trách nhiệm và thiệt hại lớn nhất đó là uy tín với khách hàng, nhất là đối với một tổ chức hoạt động trong ngành bảo hiểm tại Việt Nam.

>>Manulife lên tiếng vụ giả mạo chữ ký khách hàng

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục