Gia Lai với khát vọng 'cao nguyên sinh thái'

0:00 / 0:00
0:00
Gia Lai đang huy động các giải pháp và nguồn lực để hiện thực hóa khát vọng trở thành “cao nguyên sinh thái”, lấy sinh thái làm nền tảng cho tăng trưởng.
Một góc TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) Một góc TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai)

Khát vọng “cao nguyên sinh thái”

Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển tỉnh Gia Lai theo hướng trở thành hình mẫu của một nền kinh tế phát triển bền vững; lấy sinh thái làm nền tảng cho tăng trưởng; lấy ứng dụng số, chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách và gia tăng chất lượng tăng trưởng…

Đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập…

Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai sẽ trở thành “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, là điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa; phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh...

Theo Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai sẽ tập trung vào 5 đột phá phát triển.

Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai sẽ trở thành “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, là điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa; phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh...

Thứ nhất, đột phá về cơ chế, chính sách. Đối với đột phá này, Gia Lai sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; thúc đẩy cơ chế liên kết hình thành chuỗi sản phẩm như mô hình chuỗi sản phẩm, cơ chế liên kết; xây dựng chính sách cho các ngành ưu tiên, vượt trội như ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng, du lịch, thể thao và dịch vụ chăm sóc sức khỏe; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hấp dẫn nguồn lực đầu tư, như cải thiện tiếp cận đất đai và chất lượng quy hoạch; xúc tiến đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo…

Thứ hai, đột phá về nhân lực. Để thực hiện có hiệu quả đột phá này, Gia Lai sẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng thích ứng và tự đào tạo, đặc biệt có trình độ chuyên môn cao ở một số lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến công nghệ cao, y tế và chăm sóc sức khỏe, năng lượng tái tạo...; thu hút, hình thành lực lượng chuyên gia khoa học công nghệ trình độ cao ở các lĩnh vực ưu tiên; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc gia; lựa chọn một số lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ ba, đột phá về hạ tầng. Gia Lai hướng đến xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng vùng động lực; tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; hạ tầng phục vụ khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin - viễn thông, như ưu tiên đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh (CT.20); mở rộng Cảng hàng không Pleiku; phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, logistics; phát triển hạ tầng số trên nền tảng đổi mới hạ tầng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Thứ tư, đột phá về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái. Theo đó, Gia Lai sẽ phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, như phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng và có sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phục hồi hành lang đa dạng sinh học; xây dựng chuỗi công nghiệp - nông nghiệp; hình thành cụm liên ngành du lịch - thể thao - sức khỏe; tham gia các cam kết thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp và xanh…

Thứ năm, đột phá hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng. Cụ thể, Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Quốc lộ 19, Quốc lộ 25 sẽ là 3 hành lang kinh tế động lực kết nối TP. Pleiku và vùng phụ cận lan tỏa kinh tế - xã hội đến các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy toàn tỉnh tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, TP. Pleiku mở rộng không gian hành chính lãnh thổ kết nối với các huyện lân cận nhằm đảm nhận nhiều chức năng mới của quốc gia, của vùng Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai về chuyển đổi số, dịch vụ trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp, nông - lâm nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch, y tế, thể dục thể thao…

Đồng thời, TP. Pleiku liên kết với TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) trở thành trung tâm động lực kinh tế - xã hội tiểu vùng phía Bắc Tây Nguyên. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là mắt xích logistics, văn hoá, du lịch quan trọng trên Hành lang xuyên Á Đông - Tây (Quốc lộ 19), cửa ngõ quốc gia kết nối vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên.

Tăng cường hợp tác, liên kết vùng

Ông Đinh Hữu Hòa, Phó giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế. Về đường bộ, Gia Lai sẽ phát triển mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm 2 tuyến cao tốc (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh); 7 tuyến quốc lộ, trong đó nâng cấp, cải tạo 6 tuyến quốc lộ hiện hữu (đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 14, đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 19, Quốc lộ 19D, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 25) và mở tuyến mới Quốc lộ 19E, đoạn qua tỉnh Gia Lai, quy mô đường cấp III - IV, với 2 - 6 làn xe.

Đến năm 2030, quy hoạch 15 tuyến, dài 709,5 km. Trong đó, nâng cấp, cải tạo 10 tuyến đường tỉnh hiện hữu (đường tỉnh 667 định hướng nâng cấp thành Quốc lộ 19E), quy mô tối thiểu đạt cấp IV; nâng cấp, xây dựng 5 tuyến đường liên huyện lên thành đường tỉnh, quy mô tối thiểu đạt cấp IV.

Giai đoạn sau năm 2030, Gia Lai quy hoạch 19 tuyến đường tỉnh, dài 969,5 km. Trong đó, ngoài 15 tuyến đường tỉnh hiện hữu giai đoạn trước năm 2030, nâng cấp, xây dựng 4 tuyến đường liên huyện thành đường tỉnh.

Về cảng hàng không, tỉnh Gia Lai sẽ quy hoạch Cảng hàng không Pleiku, đến năm 2030 đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, đáp ứng khai thác 4 triệu lượt hành khách/năm, diện tích 383,68 ha, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Đến năm 2050, duy trì Cảng hàng không Pleiku đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO; đáp ứng khai thác 5 triệu lượt hành khách/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Cảng hàng không Pleiku có thể được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy định.

Về đường sắt, Gia Lai sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất xây dựng tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước), dài 550 km, khổ đường 1.435 mm, đường đơn, theo Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Về hạ tầng logistics, cảng cạn, chúng tôi định hướng phát triển gắn với kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia tại tỉnh Gia Lai. Đến năm 2030, xây dựng cảng cạn Nam Pleiku; giai đoạn đến năm 2050, xây dựng cảng cạn Lệ Thanh”, ông Hòa cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Hòa, Gia Lai tập trung xây dựng 3 hành lang kinh tế lớn. Theo đó, Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (gắn với Quốc lộ 14) sẽ kết nối khu vực phía Bắc với tỉnh Kon Tum, khu vực phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên và TP.HCM. Đây là hành lang thương mại - dịch vụ - công nghiệp của tỉnh, liên kết các đầu mối hạ tầng cấp vùng, các cơ sở công nghiệp dọc tuyến và các khu chức năng khác.

Với Hành lang kinh tế Đông - Tây (gắn với Quốc lộ 19), Gia Lai sẽ kết nối từ Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến TP. Quy Nhơn (Bình Định), liên kết phát triển địa bàn các đô thị: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, thị trấn Chư Ty, TP. Pleiku, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ và thị xã An Khê.

Theo ông Hòa, đây là hành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, trung tâm trung chuyển logistics, thông thương hàng hóa giữa Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với cảng Quy Nhơn.

Đối với Hành lang kinh tế Quốc lộ 25, Gia Lai sẽ kết nối với tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, liên kết phát triển các địa bàn đô thị TP. Pleiku, huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh, huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa; kết nối tỉnh Gia Lai với Khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Khu kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên). “Đây là hành lang phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa”, ông Hòa chia sẻ.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng mà Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra, Gia Lai sẽ tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp, như nhóm giải pháp và cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư; nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực… Về giải pháp và cơ chế, chính sách liên kết phát triển, ông Hòa cho biết, tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường hợp tác, liên kết với các nước Thái Lan, Lào, Campuchia… trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu; thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố của các nước bạn đang có tiềm năng, thế mạnh trong hợp tác phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa; tận dụng những hỗ trợ quốc tế từ Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Tiểu vùng Mekong mở rộng để tiếp tục cải thiện và tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư và viện trợ nước ngoài.

Mặt khác, Gia Lai sẽ tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố lớn trong nước (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ…) có lợi thế về hạ tầng kết nối quốc tế, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, thị trường tiêu thụ nông sản, thị trường xuất khẩu… để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mà Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển, như công nghiệp chế biến xuất khẩu, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế - chăm sóc sức khỏe gắn với du lịch.

Đồng thời, phối hợp phát triển du lịch với các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng và đặc biệt là với tỉnh Bình Định và TP.HCM để xây dựng các điểm, tuyến, tour du lịch, tạo nền tảng đưa tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm du lịch quan trọng của vùng Tây Nguyên.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục