Gia Lai đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư

Tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là đối với những lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên.
Gia Lai có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo Gia Lai có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo

Những lĩnh vực thu hút đầu tư

Với diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp lên đến khoảng 846.000 ha, cùng điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, Gia Lai có khả năng phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gia tăng giá trị với sản lượng cao, khối lượng lớn, chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, Gia Lai đã đẩy mạnh kêu gọi, thu hút hơn 290 dự án đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể, về trồng trọt, Gia Lai đã thu hút được 50 dự án với quy mô gần 8.505,53 ha, tổng vốn gần 10.402,26 tỷ đồng. Có 205 dự án chăn nuôi đang được các nhà đầu tư quan tâm với tổng diện tích 9.375 ha, tổng vốn đầu tư 34.859 tỷ đồng.

Các lĩnh vực tiềm năng khác của Gia Lai cũng đang tạo được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Theo Sở Công thương, Gia Lai có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, có thể phát triển các dự án thủy điện với quy mô công suất khoảng 3.000 MW. Về tiềm năng điện mặt trời, tỉnh có số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 7.500 MW. Về tiềm năng điện gió, tỉnh có tốc độ gió trung bình khoảng 6-7 m/s, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 12.000 MW. Tỉnh cũng có khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối với quy mô công suất khoảng 850 MW.

Gia Lai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.347,89 MW. Hiện tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan xem xét, đưa vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, có xét đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 dự án năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi, với tổng công suất khoảng 15.566 MW.

Không những vậy, Gia Lai sở hữu nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, do đó, du lịch cũng là một trong những lĩnh vực đang được đẩy mạnh khai thác. Công tác đầu tư phát triển hạ tầng ngành du lịch được các cấp, các ngành quan tâm, trong đó ưu tiên huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư đường giao thông đến các điểm, khu du lịch đã được quy hoạch. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư và ký kết 3 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn 26.700 tỷ đồng.

Cải tiến thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU với quan điểm phải thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai trở thành động lực của vùng Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Đồng thời, Gia Lai sẽ trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đa dạng các sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu; gắn sản xuất với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành nông nghiệp thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 1.500 ha; dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 500 ha trở lên; hình thành 2-3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 dự án khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 328 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, tỉnh phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới trên 3.000-3.500 MW, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng. Cùng với đó, du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ cùng phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch đón 1,7 triệu lượt khách…

Đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông - lâm sản của khu vực Tây Nguyên và 13 tỉnh trong Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có tính chuyên nghiệp cao, đạt 4,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 17.500 lượt trở lên.

Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI ngày 9/8, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên chỉ đạo, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai các loại quy hoạch, nhất là các quy hoạch trọng tâm, các quy hoạch liên quan đến thu hút đầu tư, các dự án đầu tư có sử dụng đất theo đúng quy định.

Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, phát triển công nghiệp tái tạo...

Chí Thiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục