Giá khí đốt giảm mạnh hỗ trợ cho châu Âu sau khủng hoảng năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá khí đốt của châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021 với mức giảm khoảng 66% trong năm nay, giúp đảo ngược tình trạng lạm phát gia tăng và hạ chi phí cho người tiêu dùng.
Giá khí đốt giảm mạnh hỗ trợ cho châu Âu sau khủng hoảng năng lượng

Với việc một số nhà phân tích dự đoán giá khí đốt ngắn hạn thậm chí có thể xuống mức âm vào mùa hè này, bức tranh đã trở nên hoàn toàn khác biệt so với tháng 5/2022. Vào thời điểm đó, hợp đồng tương lai khí đốt đã tăng gấp 4 lần so với hiện tại và các quốc gia buộc phải khôi phục sản xuất than để duy trì hoạt động sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt.

Cũng có những lo lắng về tình trạng thiếu hụt và liệu châu Âu có thể xây dựng các mức dự trữ khí đốt trước mùa đông, nhưng các kho dự trữ hiện đã ở trên mức trung bình, thậm chí có thể được lấp đầy trong mùa hè và trước thời hạn.

Hợp đồng tương lai khí đốt của Hà Lan đã giảm trong 8 tuần liên tiếp và ở mức dưới 25 euro/MWh, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021.

Ngoài ra, việc tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế nguồn cung cấp của Nga đã giúp ích, cũng như mùa đông tương đối ôn hòa khiến khu vực này không cần phải sử dụng quá nhiều khí đốt ở các địa điểm lưu trữ. Theo dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe, dự trữ khí đốt của châu Âu gần như đầy 67%, so với mức trung bình 5 năm là khoảng 50%. Các kho dự trữ của Đức ở mức 73%.

Sự yếu kém về kinh tế cũng góp phần làm giảm mức tiêu thụ năng lượng. Sự phục hồi của Trung Quốc không đạt kỳ vọng cũng như ngành sản xuất của châu Âu đang sa sút nghiêm trọng và tăng trưởng kinh tế của Đức bất ngờ suy giảm trong quý đầu tiên khiến nước này rơi vào suy thoái.

Thêm vào đó, châu Âu đã và đang thúc đẩy xây dựng nhiều năng lượng tái tạo hơn. Các trang trại năng lượng mặt trời và gió mới cùng với điều kiện thời tiết tốt đã giúp giảm nhu cầu sử dụng khí đốt trong sản xuất điện trong năm nay, góp phần làm giảm nhu cầu hơn nữa.

Hợp đồng tương lai khí đốt của châu Âu

Hợp đồng tương lai khí đốt của châu Âu

Georg Zachmann, thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels cho biết: “Việc giảm giá là một tin tuyệt vời đối với châu Âu và cho thấy rằng việc tăng nhập khẩu LNG cũng như nhu cầu giảm đã giúp tái cân bằng thị trường châu Âu nhanh chóng sau khi Nga đóng cửa nguồn cung khí đốt”.

Đối với các hộ gia đình, lợi ích về giá là rõ ràng. Lạm phát khu vực đồng Euro có thể giảm xuống 6,3% trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Trong báo cáo được công bố vào tuần trước, các nhà kinh tế tại Nomura cho biết, họ kỳ vọng “giá năng lượng bán buôn thấp hơn sẽ đến tay người tiêu dùng trên khắp khu vực đồng euro”.

Nhưng ngay cả sau khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, các biện pháp lạm phát cơ bản đang tỏ ra khó khăn hơn để hạ nhiệt. Điều đó một phần là do chi phí năng lượng đã ảnh hưởng đến giá hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế rộng lớn hơn. Khi lạm phát toàn phần giảm trở lại, áp lực tiền lương sẽ giảm bớt nhưng quá trình đó sẽ mất nhiều thời gian.

Đối với hầu hết các lĩnh vực, cuộc khủng hoảng bắt đầu khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Đối với năng lượng, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ hai năm trước khi Nga lần đầu tiên bắt đầu siết chặt nguồn cung bằng cách từ chối tăng cường giao hàng tới châu Âu qua Ukraine. Hiện tại, Ukraine là tuyến đường cuối cùng còn lại để dẫn khí đốt của Nga tới Tây Âu sau khi tuyến đường dẫn Nord Stream tới Đức bị đóng cửa do hư hại vào tháng 9.

Thị trường đang theo dõi chặt chẽ nhu cầu khí đốt từ Trung Quốc. Theo các nhà phân tích tại Energy Aspects, giá khí đốt của châu Âu có thể giảm hơn nữa và xuống dưới 20 euro/MWh, nếu nhập khẩu LNG của Trung Quốc suy yếu.

Nhưng với châu Âu, mức giá khí đốt thấp hiện tại không làm tăng nhu cầu công nghiệp mặc dù đã bị cắt giảm vào năm ngoái do chi phí năng lượng tăng cao. Khi nào nhu cầu khí đốt bị mất đó sẽ quay trở lại là một trong những câu hỏi lớn nhất đối với các nhà kinh doanh khí đốt đang cố gắng đánh giá đâu là đáy của thị trường. Một số người nói rằng một phần của sự mất mát đó sẽ là vĩnh viễn.

Brenda Shaffer, thành viên cấp cao tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Sự phá hủy nhu cầu là một cụm từ hay cho sự sụp đổ của ngành. Do giá năng lượng cao ở châu Âu, nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều khí đốt, đã sụp đổ hoặc chuyển ra ngoài châu Âu… Những ngành đó sẽ không quay trở lại, ngay cả khi giá năng lượng giảm”.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục