Giá hàng hóa tăng vọt làm gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá hàng hóa kéo dài chuỗi tăng giá sau khi xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine tiếp tục làm chao đảo các thị trường toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về nguồn cung suy giảm.
Giá hàng hóa tăng vọt làm gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung

Giá nguyên liệu thô có tuần tăng đột biến đáng kinh ngạc nhất kể từ năm 1974, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ.

Sự cô lập ngày càng tăng với Nga đang bóp nghẹt nguồn năng lượng chính, kim loại và cây trồng, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt kéo dài và tăng tốc lạm phát trên toàn cầu. Các công ty kinh doanh, ngân hàng và chủ tàu đang ngày càng tránh làm ăn với Nga vì khó đảm bảo thanh toán, trong khi các hãng tàu tránh xa các đơn hàng từ khu vực.

Căng thẳng tiếp tục leo thang vào đầu ngày thứ Sáu (4/3) sau khi Nga được cho là đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine sau các cuộc giao tranh dẫn đến hoả hoạn xảy ra tại nhà máy. Theo đó, giá dầu WTI đã tăng gần 5% trước khi điều chỉnh trở lại do các nhà giao dịch đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công nhà máy hạt nhân. Giá dầu WTI vẫn tăng gần 20% trong tuần này do người mua toàn cầu tránh xa dầu thô và nhiên liệu của Nga, làm dấy lên một cuộc chạy đua về nguồn cung thay thế.

Mức tăng của các loại hàng hoá trong tuần qua

Mức tăng của các loại hàng hoá trong tuần qua

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng an ninh năng lượng toàn cầu đang bị đe dọa và việc Mỹ và các nền kinh tế lớn khác có kế hoạch giải phóng dự trữ dầu khẩn cấp đã không thể dập tắt những lo ngại về nguồn cung.

JPMorgan cho biết giá dầu Brent có thể kết thúc năm nay ở mức 185 USD/thùng nếu nguồn cung của Nga tiếp tục bị gián đoạn.

Lúa mì tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt toàn cầu ngày càng sâu sắc khi căng thẳng ở Ukraine làm cắt đứt khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của thế giới đối với mặt hàng chủ lực được sử dụng trong nhiều thứ, từ bánh mì đến bánh quy và mì.

Kim loại cơ bản cũng tiếp tục tăng mạnh khi Chỉ số kim loại LMEX, theo dõi sáu hợp đồng tương lai chính tăng lên mức kỷ lục vào ngày 3/3. Giá năng lượng tăng cao đã tạo thêm động lực bằng cách đẩy chi phí lên cao.

Đồng cũng đang đạt mức cao nhất mọi thời đại. Dự trữ đồng trong các kho do LME theo dõi đã giảm trở lại mức thấp nhất kể từ năm 2005.

Xung đột vũ trang và hệ lụy của việc Mỹ và châu Âu trừng phạt Nga đã khiến nguồn cung ở Biển Đen cạn kiệt vào thời điểm mà kho nguyên liệu thô toàn cầu đã khan hiếm. Nga là nhà cung cấp chính của dầu thô, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, phân bón và các kim loại như nhôm, đồng và niken.

Giá hàng hóa cao hơn có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng và gây ra lạm phát, tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới khi họ cân nhắc khả năng tăng lãi suất trước nguy cơ lạm phát quá nóng làm kìm hãm sự phục hồi kinh tế.

Đối với các mặt hàng khác, hợp đồng tương lai khí đốt tương lai của Mỹ tăng tới 10% trong tuần này do kỳ vọng nhu cầu của châu Âu đối với hàng hóa khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ gia tăng. Hợp đồng tương lai khí đốt cũng tăng mạnh 86% trong tuần này.

Hợp đồng tương lai quặng sắt Singapore cũng ​​tăng khoảng 15% trong tuần này trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng về nhu cầu từ nền kinh tế Trung Quốc.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục